Thủ tướng: Chiến lược, Phương hướng kinh tế xã hội phải thể hiện rõ khát vọng phát triển

Theo Báo Chính phủ điện tử | 23/08/2019 13:48

“Đánh giá tình hình cho đúng, cho sát, đồng thời có khát vọng phát triển, đặc biệt là tinh thần đột phá phát triển, bàn tiến lên chứ không phải bàn lùi, để đưa dân tộc ta có bước phát triển mới”, Thủ tướng nêu rõ tại cuộc họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII vào chiều nay, 22/8.

Thủ tướng: Chiến lược, Phương hướng kinh tế xã hội phải thể hiện rõ khát vọng phát triển
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là phiên họp thứ 5 của Tiểu ban gồm 51 thành viên nhằm xây dựng văn kiện kinh tế - xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển 5 năm 2021-2025.

Cuộc họp thứ nhất vào ngày 9/11/2018, Tiểu ban đã cho ý kiến thống nhất về tổ chức cơ quan thường trực là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đồng chí Thường trực Tiểu ban, Tổ biên tập, dự kiến chương trình công tác tổng thể của Tiểu ban. Cuộc họp thứ hai vào ngày 19/1/2019, Tiểu ban thống nhất chương trình, kế hoạch hoạt động, cho ý kiến về chủ đề, kết cấu và một số nội dung trọng tâm của Chiến lược 10 năm và Phương hướng 5 năm, phân công, đặt hàng và giao các chuyên đề nghiên cứu, quy chế hoạt động của Tiểu ban.

Cuộc họp thứ 3 là vào ngày 4/3/2019, Tiểu ban cho ý kiến và thông qua các nội dung quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị gồm các phương án về chủ đề, kết cấu, đề cương sơ bộ và một số trọng tâm của Chiến lược 10 năm và Phương hướng 5 năm. Cuộc họp thứ 4 vào ngày 10/4/2019, tập trung thảo luận, cho ý kiến về chủ đề cụ thể về đề cương chi tiết các báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để hoàn thiện, trình Hội nghị Trung ương 10 khóa XII.

Đồng thời, tại các phiên họp trên, Tiểu ban cũng đã đưa ra yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học triển khai nghiên cứu 42 chuyên đề, tổ chức 6 buổi làm việc với các địa phương trong cả nước theo khu vực, đồng thời tổ chức nhiều buổi hội thảo, khảo sát trong nước và quốc tế, đặc biệt là lấy ý kiến nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Tiểu ban đã triển khai nghiêm túc nhiệm vụ Trung ương giao, khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để xây dựng 2 văn kiện quan trọng này, đồng thời bảo đảm phù hợp, kịp thời với chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Trung ương, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5 vừa qua, Tiểu ban đã trình đề cương chi tiết, các báo cáo; Trung ương đã cho ý kiến và thông qua. Theo thông báo của Văn phòng Trung ương, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội phải xây dựng, hoàn thiện các báo cáo văn kiện gửi xin ý kiến Bộ Chính trị trước ngày 5/9 để trình Hội nghị Trung ương 11.

Trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo, Trưởng Tiểu ban đã yêu cầu Tổ biên tập phải nghiên cứu, tập hợp toàn diện kết quả nghiên cứu của 42 chuyên đề, nội dung của 6 buổi làm việc với các địa phương trong các vùng, các buổi hội thảo, khảo sát và lấy ý kiến chuyên gia trong nước, quốc tế.

Tại cuộc họp với Tổ biên tập, Thường trực Tiểu ban, Thủ tướng đã yêu cầu các báo cáo phải bảo đảm “Đảng chấp nhận, nhân dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao”.

Tổ biên tập đã hoàn thành dự thảo lần 1 các báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban ngày 30/7, sau đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo lần thứ hai, trình Thường trực Tiểu ban tại cuộc họp ngày 8/8 vừa qua. Trên cơ sở đó, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ biên tập đã hoàn thiện các báo cáo và trình Tiểu ban tại phiên họp toàn thể hôm nay.

“Tôi đã yêu cầu Tổ biên tập tiếp tục chủ động tổ chức các buổi hội thảo, khảo sát lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, tiếp tục hoàn thiện nữa chứ không phải đến đây là xong”. Thủ tướng đề nghị các thành viên Tiểu ban với tinh thần dân chủ thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể, ngắn gọn về các dự thảo báo cáo, cả nội dung và cách viết, cả kinh tế và xã hội, quốc phòng, an ninh, tình hình nhân dân. Tinh thần chung là phải đánh giá tình hình đúng, khách quan. Không tô hồng cũng không được bôi đen, phân tích, nhận định sát, đúng thực trạng đất nước trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay. Đặc biệt là đề ra những định hướng, các giải pháp chủ yếu, tạo đột phá phát triển trong 5 năm, 10 năm tới, đặc biệt dịp 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

“Đánh giá tình hình cho đúng, cho sát, đồng thời có khát vọng phát triển, đặc biệt là tinh thần đột phá phát triển, bàn tiến lên chứ không phải bàn lùi, để đưa dân tộc ta có bước phát triển mới”, Thủ tướng nêu rõ. Vì vậy, các thành viên Tiểu ban cần thảo luận, bàn kỹ, thống nhất ý kiến về 7 nội dung chính. Thứ nhất, nhận định, đánh giá kết quả đạt được, trong đó nêu bật các thành tựu, điểm sáng, các nét lớn trong 5 năm, 10 năm qua. 

Thứ hai là các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trong đó cần đánh giá đúng bản chất những vấn đề còn bất cập, tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học rút ra trên các mặt.

Thứ ba là nhìn nhận, đánh giá bối cảnh quốc tế, trong nước thời gian tới, trong đó, đặc biệt chú ý phân tích, dự báo những điểm mới, cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong và ngoài nước 5 năm, 10 năm tới.

Thứ tư là quan điểm phát triển, trong đó xác định rõ những vấn đề cốt yếu về quan điểm cần thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để tập trung thực hiện.

Thứ năm là mục tiêu chiến lược, bao gồm mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Thứ sáu là các đột phá chiến lược, trong đó lưu ý các điểm mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa, con người và khát vọng vươn lên.

Thứ bảy là phương hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, trong đó đặc biệt chú ý đến nội dung giải pháp mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển trên các lĩnh vực.

“Đồng thời, qua công tác điều hành thực tiễn các lĩnh vực mà các đồng chí phụ trách, tôi đề nghị các đồng chí có ý kiến bổ sung về những vấn đề mới, những ý tưởng đột phá sáng tạo để tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới”, Thủ tướng nói, bởi đây chưa phải là văn bản cuối cùng, trong quá trình thảo luận, vẫn tiếp tục lấy thêm ý kiến.

Một việc quan trọng là phối hợp với Tiểu ban Văn kiện. Thủ tướng đề nghị Tổ biên tập báo cáo cụ thể về tình hình phối hợp, đặc biệt là việc so sánh, đối chiếu các nội dung liên quan giữa các văn kiện, nhất là đánh giá, nhận định tình hình, quan điểm phát triển, mục tiêu tổng quát, đột phá chiến lược... 

Thủ tướng: Chiến lược, Phương hướng kinh tế xã hội phải thể hiện rõ khát vọng phát triển
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp Thủ tướng đánh giá các dự thảo báo cáo đã bám sát đề cương chi tiết đã được Trung ương thông qua, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, mang tính tổng thể, toàn diện và khái quát cao, có tính kế thừa, đổi mới, nhiều ý tưởng mới sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nội dung để phù hợp với các dự thảo báo cáo chính trị khác đang được xây dựng, trong đó có vấn đề phát triển nhanh và bền vững, lấy phát triển nhanh để duy trì ổn định, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng thể chế... Về bối cảnh thời gian tới, Thủ tướng lưu ý nhấn mạnh vấn đề biến đổi khí hậu, có xu hướng diễn biến khốc liệt hơn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu ý kiến góp ý về mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể trong các dự thảo báo cáo, đảm bảo căn cứ khoa học, thực tiễn, có phương pháp tính phù hợp, vừa có tính khả thi, vừa có tính phấn đấu cao.

Về mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng đề nghị có nghiên cứu đề xuất mức tăng trưởng hợp lý, đủ để đảm bảo thoát bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, nhưng phải tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.   

Bên cạnh việc làm rõ nét hơn về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới trong dự thảo báo cáo, Thủ tướng cũng đề nghị Tiểu ban làm rõ các động lực phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn tới như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến-chế tạo, du lịch, công nghệ thông tin, phát triển đô thị và liên kết vùng. Các dự thảo báo cáo cũng phải chú trọng các vấn đề xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; coi con người là trung tâm, là chủ thể, động lực của sự phát triển, xây dựng nền kinh tế tự chủ, có sức chống chịu, khả năng cạnh tranh cao…

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị từ nay đến Hội nghị Trung ương 11, Tiểu ban sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, tổ chức các cuộc tọa đàm. Tổ biên tập chủ động tổ chức các cuộc hội thảo về một số chủ đề quan trọng với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý để tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo báo cáo

Bài liên quan
  • Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
    Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Công điện số 118/CĐ-TTg ngày 19/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh. Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Hành trình “Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ” đưa văn nghệ sĩ TPHCM đến Tây Bắc
    Hành trình "Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ" diễn ra từ ngày 26 đến 30/11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão lũ, chương trình tri ân văn nghệ sĩ từng tham gia kháng chiến... do các cá nhân hảo tâm là văn nghệ sĩ TPHCM và các đối tác của văn nghệ sĩ thành phố ủng hộ.
  • Hà Nội: Đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ dịp Tết, Lễ hội Xuân năm 2025
    Để đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác truyền thông, phổ biến Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Chiến lược, Phương hướng kinh tế xã hội phải thể hiện rõ khát vọng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO