Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết đã thống nhất: Các dự án thuộc các chương trình mục tiêu có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã bố trí vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hằng năm nhưng còn thiếu vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, được sắp xếp vào 13 ngành lĩnh vực theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với việc phân bổ vốn ngân sách trung ương (phần vốn trong nước), dự thảo Nghị quyết quy định dành tối đa không quá 30% tổng số vốn ngân sách trung ương để bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Ngân sách nhà nước.
Về việc phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, dự thảo Nghị quyết quy định bố trí đủ vốn theo dự án, đúng cam kết với các nhà tài trợ. Đối với vốn cân đối ngân sách địa phương, dự thảo Nghị quyết quy định lấy phương án phân bổ năm 2021 của Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2020-2022 làm căn cứ xác định tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương và số bổ sung từ ngân sách trung ương cho các địa phương giai đoạn 2021-2025.
Tại phiên họp, 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Cũng trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hànhphiên họp.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với dự thảo Nghị quyết, khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước ta trong việc sớm triển khai các cam kết trong EVIPA, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Nghị quyết chỉ khẳng định Quốc hội Việt Nam phê chuẩn điều khoản công nhận và cho thi hành phán quyết mà không cần quy định một cơ chế mới để thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp EVIPA.
Về việc công nhận và cho thi hành phán quyết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần xác định nguyên tắc, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong áp dụng pháp luật và công nhận phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp EVIPA tại Việt Nam trong trường hợp bị đơn là Nhà nước Việt Nam, nguyên đơn là nhà đầu tư Liên minh châu Âu, nhà đầu tư của các nước thành viên Liên minh châu Âu hoặc bị đơn là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu có tài sản tại Việt Nam và nguyên đơn là nhà đầu tư Việt Nam. Nội dung dự thảo Nghị quyết cũng cần xác định những nhiệm vụ của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các bộ, ngành liên quan để bảo đảm thực thi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày EVIPA có hiệu lực.
Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ chín. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội.