Thổi hơi thở hiện đại vào tích tuồng cổ

Thụy Du/HNM| 07/10/2018 15:05

“Nghêu Sò Ốc Hến” là một tích tuồng đã được tái hiện trước công chúng qua nhiều loại hình nghệ thuật, nhưng Nghệ sĩ ưu tú Lâm Tùng cùng ê kíp nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn quyết định một lần nữa đưa nó trở lại sân khấu. Các nghệ sĩ tự tin thổi vào câu chuyện cũ một tư duy mới, một lối diễn hiện đại.

Thổi hơi thở hiện đại vào tích tuồng cổ
Cảnh trong vở kịch “Nghêu Sò Ốc Hến”.

“Nghêu Sò Ốc Hến” vốn là một tích tuồng cổ, được hình thành trong dân gian. Nhưng vượt xa khỏi môn nghệ thuật tuồng, câu chuyện châm biếm hài hước này đã được chuyển thể dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, từ chèo, cải lương, kịch nói, múa rối đến điện ảnh… 

Ngay cả hình thức kịch nói cũng có trên dưới 10 đơn vị nghệ thuật có tiếng dàn dựng. Nhà hát Kịch Việt Nam có đến 2 bản dựng trước đây, dưới bàn tay đạo diễn của Nghệ sĩ nhân dân Dương Ngọc Đức, Nghệ sĩ ưu tú Đặng Tú Mai cùng các lớp diễn viên kỳ cựu thể hiện như Nghệ sĩ nhân dân Trần Tiến, Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương (Hương Bông), Quốc Khánh, Chiều Xuân… Gần đây, Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh cùng các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ cũng mạnh dạn cho ra mắt vở “Thị Hến” phóng tác từ “Nghêu Sò Ốc Hến”.

Bởi vậy, việc Nhà hát Kịch Việt Nam dựng lại vở này không thể tránh khỏi sự so sánh, ít nhất là trong làng kịch, sau nữa là các loại hình nghệ thuật khác vốn có thế mạnh về diễn tấu dân gian. Nhưng Nghệ sĩ ưu tú Lâm Tùng khẳng định: “Đây là câu chuyện hấp dẫn từ đầu đến cuối, vẫn còn giá trị đến ngày hôm nay trong việc giải trí hay phê phán một bộ phận quan quyền thiếu ngay ngắn… Mỗi thời đại lại có một tư duy sân khấu khác, một lớp khán giả riêng nên tôi nghĩ mình vẫn có “đất” sáng tạo”.

Câu chuyện xưa vẫn vậy, là về anh chàng Ốc nhờ thầy Nghêu gieo quẻ chỉ hướng vào trộm đồ của Trùm Sò, sau đó đem bán đồ cho Thị Hến. Thị Hến bị bắt giải lên quan huyện, thị đã dùng nhan sắc để lung lạc quan huyện và thầy đề. Không những được tha bổng, Thị Hến còn bày mưu đưa cả quan huyện, thầy đề, lý trưởng vào bẫy để các bà vợ của họ đánh ghen một trận nhớ đời. 

Tuy nhiên, đạo diễn Lâm Tùng đã biên tập và xây dựng sâu hơn về nhân vật Ốc và Hến, lý giải hoàn cảnh xã hội phong kiến bấy giờ xô đẩy họ phải làm những việc gian… Các nhân vật quan huyện, lý trưởng, thầy đề đầy thói hư tật xấu nhưng được xử lý có duyên nên khán giả không còn ác cảm về họ. Đó chính là cách để thổi tư duy mới vào vở diễn mà không phá đi cốt truyện gốc. 

Đạo diễn còn biên tập lại đến 80% lời thoại khá phù hợp với khán giả hiện nay mà không quá xa với bối cảnh vở diễn, đồng thời khéo léo gia giảm tình huống hài hước, đưa màu sắc chèo, tuồng, âm nhạc dân gian vào vở diễn khiến cho khán phòng luôn rộn ràng và ngập tràn tiếng cười.

Thiết kế sân khấu của Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng đơn giản mà đem lại hiệu quả cao. Phông màn chỉ có hình một chiếc lá chuối nhưng có thể thay đổi màu sắc qua từng cảnh diễn đầy biểu cảm. Những vật dụng biểu trưng cuộc sống làng quê như bè, nơm, chõng… bỗng chốc biến thành đạo cụ hỗ trợ diễn viên.

Dàn diễn viên đều khẳng định được mình trong phiên bản lần này. Nghệ sĩ Phú Đôn (vai thầy Nghêu), Mai Nguyên (vai quan huyện), Hồ Liên (vai bà huyện) với kinh nghiệm dày dạn đã tạo nên chỗ dựa cho lớp trẻ thăng hoa theo. Vai diễn quan trọng nhất của vở là Hến được giao cho nghệ sĩ trẻ Khánh Linh. Bản thân nghệ sĩ này cũng có áp lực khi nhận vai, nhưng thay vì tìm những bản diễn cũ để học hỏi, Khánh Linh đã tự nghiên cứu nhân vật để có hướng thể hiện theo cách của mình. Thị Hến của Khánh Linh mang dáng vẻ của người phụ nữ Việt Nam hiện đại - xinh xắn, nhanh nhạy, ứng biến linh hoạt.

Ê kíp thực hiện đã đạt được mục tiêu thổi hơi thở hiện đại vào tích tuồng cổ, đem đến “món” giải trí thú vị cho công chúng Thủ đô. Tuy nhiên, nếu đạo diễn điều chỉnh một vài lời thoại chưa vừa tai với phần đa khán giả và dẫn dắt tình huống logic hơn thì chắc hẳn, đây cũng là một phiên bản đáng được nhắc đến của tích tuồng cổ “Nghêu Sò Ốc Hến”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Thổi hơi thở hiện đại vào tích tuồng cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO