''Thơ Bác cũng như con người Bác: Bình dị ung dung, thư thái lắm''

Lưu Tuấn Hoa| 15/05/2020 07:08

“Thơ Bác cũng như con người Bác: Bình dị ung dung, thư thái lắm”
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch quân sự tại Sở Chỉ huy 
Chiến dịch biên giới năm 1950 (Ảnh tư liệu của TTXVN)
Trong buổi tiếp các tác giả của công trình “Tìm hiểu thơ ca chiến khu của Chủ tịch Hồ Chí Minh“, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự:

Tôi sống bên Bác khá lâu. Tôi không làm thơ, mặc dù tôi rất thích thơ. Tôi có đọc thơ Bác, nhưng không nghiên cứu kỹ những bài thơ ấy. Thơ Bác cũng như con người Bác, có những nét bình dị. Trong bất cứ hoàn cảnh nào Bác cũng ung dung, thư thái lắm!

Như để chứng minh những nhận xét của mình, Đại tướng kể:

Hồi ở Pác Bó, Bác nói: “Đức bắt đầu đánh Liên Xô. Liên Xô sẽ thắng, nhưng cũng phải 4-5 năm nữa. Có lẽ ta cũng đứng lên giành chính quyền vào khoảng năm 1945”. Lúc ấy, tôi báo cáo với Bác tình hình phong trào quần chúng đang phát triển tốt, Bác rất vui, nhưng niềm vui không lộ rõ nét mặt, mà vẫn giữ vẻ bình thường.

Đại tướng kể tiếp:

Có một kỷ niệm về việc đọc thơ Bác khi từ tổng Kim Mã về cơ quan Việt Lập, tôi thấy một tờ báo Trung Quốc, trong ấy có bài thơ “Tân xuất ngục học đăng sơn” (Mới ra tù tập leo núi). Tôi đọc bài thơ đó và biết Bác đã được tự do sau mười mấy tháng bị giam cầm vô lý trong nhà tù Tưởng Giới Thạch. Thật là vui mừng khôn tả! Thế rồi, lại nghe tin Bác về nước, tôi đi ngựa đón Bác. Đến Nghĩa Tả thì gặp Bác. Tôi tưởng sau một thời gian xa cách và bị tù đày, khi trở về gặp anh em ở trong nước chắc Bác sẽ xúc động lắm. Nhưng Bác vẫn bình thản thôi...

Đại tướng nói đến việc chuẩn bị Quốc dân Đại hội ở Tân Trào được tiến hành rất khẩn trương. Khi ấy, Bác vẫn tỏ ra bình thản, vì Bác là người từng trải, Bác biết rõ tình hình trong và ngoài nước. Bác hiểu mỗi thắng lợi của cách mạng cũng chỉ là bước đầu, là tạm thời, trong cả quá trình lâu dài... Đại tướng kể tiếp:

Ngày 14/6/1945, tôi làm xong bản Dự thảo chính sách thành lập khu giải phóng, gồm 8 điểm. Sau khi đọc xong, Bác nói: “Chú xem, Bác đề nghị viết thành 10 điểm cho dân dễ nhớ”. Mấy hôm ấy tình hình khẩn trương lắm. Quốc dân Đại hội họp với những quyết định trọng đại cho cuộc Tổng Khởi nghĩa trong cả nước, thì ông cụ vẫn cứ bình thản thôi. Hồi ở Bắc Bộ phủ, Bác làm việc nhiều lắm, nhưng lúc nào tôi cũng thấy Bác bình thường. Trong mọi hoàn cảnh, con người Bác luôn luôn toát ra sự ung dung, thư thái và bình thản. Trước khi đi Pháp (1946), Bác nói “dĩ bất biến ứng vạn biến’’ (lấy cái không thay đổi để ứng phó những biến đổi mới). Người còn nói: “Ta nhân nhượng, nhưng địch cứ lấn tới”. Khi ấy, Bác vẫn bình thản! Trước khi chúng tôi đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác dặn: “Trận này phải đánh chắc thắng!”. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, chúng tôi nhận được điện của Bác: “Thắng lợi tuy to lớn, nhưng mới là bước đầu”.

Đại tướng kể nhiều mẩu chuyện như vậy và sau mỗi lần kể lại kết thúc bằng câu: “Bác vẫn bình thường thôi”, hoặc “Ông cụ vẫn cứ bình thản”.

Cuối buổi trò chuyện, Đại tướng kết luận: Ấn tượng trong tôi về Hồ Chủ tịch, đó là một lãnh tụ bình thản”. Ông còn nói:

Có lẽ, cái trong sáng, cái bình dị, bình thản và ung dung, tự tại của Hồ Chủ tịch cũng đã được thể hiện trong thơ ca của Người. Thơ ca của Bác toát lên cái hùng vĩ và cái đẹp bình dị của một con người luôn luôn lạc quan, tin tưởng ở sự tất thắng của cách mạng, vì biết rõ quy luật vận động của nó. Chỉ ở con người từng trải như Bác mới có được phong độ ấy”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
''Thơ Bác cũng như con người Bác: Bình dị ung dung, thư thái lắm''
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO