Kinh tế tăng trưởng tốt sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo công bố mới nhất của Bộ Xây dựng, dịch Covid-19 khiến hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Tính đến thời điểm tháng 4-2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động. Trong khi đó, bất động sản nhà ở ghi nhận sự sụt giảm mạnh về cả nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ.
Cả nước có 71 dự án với 25.734 căn hộ được mở bán. Tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong 4 năm trở lại đây và bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, thị trường bất động sản chưa có biểu hiện của khủng hoảng trầm lắng, “đóng băng” hay phát triển nóng mà tình hình vẫn khá ổn định...
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù “điêu đứng” do dịch Covid-19, song bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn giữ giá; thậm chí phân khúc nhà ở còn nhích giá nhẹ. Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm trước trong khi thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 3,5%. Đáng chú ý, giá bất động sản công nghiệp vẫn tăng trung bình 6,2%, giá bất động sản du lịch không thay đổi so với năm 2019…
Lý giải điều này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, “sức đề kháng” của thị trường khá tốt là nhân tố chính. “Khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua chủ yếu xuất phát từ tâm lý do dịch Covid-19 tác động, còn về bản chất của thị trường vẫn rất tốt. Nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất cao. Do đó, thị trường có khả năng phục hồi nhanh sau khi kết thúc dịch bệnh”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, sau thời điểm giãn cách xã hội, các thị trường bất động sản lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm nhộn nhịp trở lại, nhưng cũng không thể sôi động ngay, mà cần khoảng thời gian để “thở dần”.
Khẳng định cơ hội hồi phục của thị trường sẽ không quá xa, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Savills Việt Nam (đơn vị tư vấn, quản lý bất động sản quốc tế) chỉ ra một số tín hiệu tích cực thúc đẩy thị trường quay trở lại nhịp độ bình thường. Cụ thể, mới đây Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19; các nghị quyết yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư… Đây sẽ là công cụ hỗ trợ và đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực bất động sản, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh rất tốt, các nhà đầu tư nước ngoài hướng đến Việt Nam như một điểm đến an toàn, thân thiện.
Một cơ sở quan trọng nữa khiến các chuyên gia tin tưởng vào sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường bất động sản Việt Nam, đó là bối cảnh trong nước rất thuận lợi. Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JLL Việt Nam (Tập đoàn Quản lý đầu tư và dịch vụ bất động sản quốc tế Jones Lang LaSalle) nhận định: Kinh tế tăng trưởng tốt, chính trị ổn định; bất động sản luôn là một trong những lĩnh vực chủ chốt thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi đó, nỗi lo bong bóng bất động sản hầu như không còn bởi kinh nghiệm ứng phó của các cơ quan quản lý. Thị trường cũng ngày càng minh bạch, hành lang pháp lý được bổ sung, hoàn thiện… Tất cả những yếu tố tích cực này mang đến cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản Việt Nam.