Ông Nguyễn Văn Tân tại buổi thông tin báo chí về những điểm mới trong tình hình dân số hiện nay. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Tại buổi thông tin báo chí chiều tối 17/10, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nhấn mạnh, trước mắt, nước ta sẽ không thực hiện giảm sinh mà duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/cặp vợ chồng) để đảm bảo tới năm 2030 quy mô dân số nước ta đạt khoảng 104 triệu người, năm 2049 đạt khoảng 113-115 triệu người.
“Lần đầu tiên trong 20 năm qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng nhận định nếu duy trì chính sách giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hệ lụy rất khó giải quyết. Vì vậy, công tác dân số được chuyển hướng từ quy mô dân số sang giải quyết toàn diện các vấn đề bao gồm cả quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số, ông Tân nói.
Theo đó, trong thời kỳ mới hiện nay, chúng ta sẽ đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế (2,1 con), sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Theo khảo sát mới nhất của ngành dân số trên 700.000 người dân cho thấy, khoảng 73% người muốn sinh hai con, 8,3% mong muốn đẻ một con, 9,3% muốn sinh ba con và hơn 8% muốn nhiều hơn ba con.
Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, sinh bao nhiêu con là quyền của người dân. Pháp luật Việt Nam từ trước đến nay không có quy định nào cấm hoặc khống chế người dân sinh bao nhiêu con, chỉ trừ đối tượng là đảng viên. Theo Nghị quyết của Đảng năm 2008, sinh con thứ 4 bị khai trừ. Đến năm 2013, quy định đã nới lỏng hơn, đảng viên sinh đến con thứ 5 mới bị khai trừ. Tuy nhiên, rất ít đảng viên vi phạm điều này.
Với khảo sát trên, ông Tân cũng cho biết, vẫn còn tỷ lệ đáng kể người dân muốn sinh thêm nhiều con. Tỷ lệ này tăng ở khu vực dân số có học vấn cao hơn, ở nơi có mức sống khá hơn và đa số ở các tỉnh khu vực miền Bắc, trong khi miền Nam, tỷ lệ sinh vẫn có xu hướng đi xuống.
Một vấn đề khác là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đang ở mức trầm trọng, lan rộng từ thành thị ra tất cả mọi nơi. Hiện nay, trung bình tỷ lệ giới tính khi sinh ở nước ta ở mức 112-113 bé trai trên 100 bé gái.
Vùng mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất là đồng bằng sông Hồng, nếu lấy Hà Nội là trung tâm thì phạm vi này trong vòng bán kính khoảng 70-100 km. Tại vùng này, tỷ số giới tính khi sinh ở mức trên 115 bé trai trên 100 bé gái, thậm chí có một số tỉnh thành, tỷ số này lên tới 120-122 bé trai trên 100 bé gái như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định.
Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới khi sinh là do tập quán, lối nghĩ ưa thích con trai theo truyền thống để có người nối dõi; lạm dụng kỹ thuật y học tiến tiến để lựa chọn giới tính khi sinh; chính sách an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra cũng có nguyên nhân do hạn chế mức sinh.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta ở mức dưới 109 bé trai trên 100 bé gái theo nghị quyết về dân số của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Nguyễn Văn Tân cho rằng cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các chính sách vận động sinh con, không giảm sinh, thay đổi quy định với nhóm đảng viên, các giải pháp về kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh cho người cao tuổi… sẽ là động lực giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nghị quyết về dân số vừa được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua đặt mục tiêu, đến năm 2030, tuổi thọ bình quân ở nước ta đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á. |