Quang cảnh hội nghị. |
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà.
Những kết quả tích cực
Báo cáo do Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương trình bày tại hội nghị cho thấy, quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII), Kết luận số 120 của Bộ Chính trị (khóa XI), Thành ủy Hà Nội đã chủ động triển khai nghiêm túc, bài bản, sáng tạo; đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Với phương châm làm từng bước vững chắc, thành phố chọn mỗi loại hình một số cơ sở làm “điểm” để rút kinh nghiệm sau đó nhân ra diện rộng.
Đến nay, 8 loại hình thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã được thành phố kiên trì triển khai và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về thực hiện Quy chế Dân chủ đã có những chuyển biến rõ nét, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết hơn giữa Đảng, chính quyền với người dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Sau 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ, Thành ủy và các cấp ủy Đảng đã chú trọng triển khai gắn thực hiện Quy chế Dân chủ với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05/CT-TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình; tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đổi mới phong cách công tác, lề lối làm việc, coi trọng thực hiện phương châm “dựa vào dân để xây dựng Đảng”, nhiều cấp ủy trước khi ban hành nghị quyết đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nên nghị quyết khi ban hành đã đi vào cuộc sống và được nhân dân tích cực thực hiện.
MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tinh gọn, đa dạng, thiết thực, gần dân, phù hợp với từng khu vực, đối tượng; phát huy tốt vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc… Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, trực tiếp tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Việc thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở thành phố. Kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có nhiều chuyển biến tích cực… Cảnh quan đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, TP Hà Nội đã thực hiện Quy chế Dân chủ trong vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ việc làm cho dân hiểu, người dân đã đồng thuận, tự nguyện, hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, đã huy động đóng góp công sức, kinh phí trên 5 ngàn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở và các công trình phục vụ dân sinh… Kết quả này góp phần đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 294/386 xã (đạt 76,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Trong năm 2018, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nên đã có sức lan toả và đạt được những kết quả thiết thực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở đã tập trung thực hiện Chỉ thị 12/CT-TU, ngày 5-12-2016 của Thành ủy về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, “Năm dân vận chính quyền”. Nhiều mô hình "Dân vận khéo" đã phát huy tác dụng tích cực trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Phong trào "Dân vận khéo" tiếp tục góp phần tích cực vào thành tựu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở thành phố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả thực hiện Chỉ thị 30-CT/TƯ về Xây dựng, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố. Trước những tồn tại, hạn chế đã được hội nghị chỉ rõ, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị. |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ cơ bản, lâu dài; “Dân vận khéo” vừa là mục tiêu, vừa là phương pháp thực hiện công tác dân vận.
Chính vì thế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 30-CT/TƯ, Kết luận số 120-KL/TƯ của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 04-CT/TƯ của Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở".
Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và tổ chức thực hiện của chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các cấp, ngành đặc biệt coi việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị phải gắn thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII; Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Quyết định 217, 218-QĐ/TƯ, để “phát huy dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ tiêu cực, sai phạm của cán bộ và những hành vi lợi dụng dân chủ để gây rối làm ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn”.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy chế Dân chủ phải gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố, của các cơ quan, đơn vị. "Hằng năm tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, Hội nghị đại biểu nhân dân, góp phần phát huy dân chủ, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngay từ cơ sở, cộng đồng dân cư” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Lưu ý phải nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong các tầng lớp nhân dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cấp làm tốt công tác tuyên truyền các mô hình “Dân vận khéo” trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Nhân dịp này, Ban Dân vận Trung ương đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân vận” năm 2018 cho 7 cá nhân; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ; UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 15 cá nhân có mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tiêu biểu.