Thành tựu văn học nghệ thuật Thủ đô từ thời kỳ Đổi mới đến nay

Bằng Việt| 06/10/2019 10:49

Văn học nghệ thuật Thủ đô Hà Nội đã có những bước đi hoành tráng, hết sức đáng tự hào, kể từ khi chúng ta thành lập nên tổ chức Hội, bắt đầu từ tên gọi khiêm tốn là Chi hội Văn nghệ Hà Nội (tháng 10 năm 1966 trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước), động viên được văn nghệ sĩ Thủ đô đứng vào cùng một đội ngũ.

Thành tựu văn học nghệ thuật Thủ đô từ thời kỳ Đổi mới đến nay
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trao Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2018 
cho Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Văn học nghệ thuật Thủ đô Hà Nội đã có những bước đi hoành tráng, hết sức đáng tự hào, kể từ khi chúng ta thành lập nên tổ chức Hội, bắt đầu từ tên gọi khiêm tốn là Chi hội Văn nghệ Hà Nội (tháng 10 năm 1966 trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước), động viên được văn nghệ sĩ Thủ đô đứng vào cùng một đội ngũ; kết nghĩa anh em cùng lực lượng văn nghệ sĩ các thành phố Huế, Sài Gòn, vừa trực tiếp tham gia vào lực lượng chiến đấu vì độc lập, tự do của cả dân tộc, vừa tạo nên những giá trị văn hóa, nghệ thuật có ý nghĩa; động viên và cổ vũ tích cực cho cuộc kháng chiến thần thánh và thiêng liêng của cả nước, với ý thức công dân cao, luôn luôn có ý thức hòa chung nhịp bước quân hành cùng với hàng triệu triệu con người, làm nên lịch sử. Các nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân, Vũ Đình Văn, các nhạc sĩ liệt sĩ Hoàng Việt, Vĩnh Bảo… đều từ Thủ đô Hà Nội đi vào chiến trường và hy sinh trong đó. 

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, rất nhiều văn nghệ sĩ Hà Nội đã đóng góp vai trò to lớn trong việc làm những hạt nhân, tham gia xây dựng và phát triển mặt trận văn hóa văn nghệ cách mạng ở các vùng mới giải phóng ở Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng dọc miền Trung và Nam Bộ, đặc biệt ở các thành phố lớn (Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau, Châu Đốc, Tây Ninh, v.v…)

Đặc biệt ở ngay chính Thủ đô Hà Nội, từ một Chi hội, chúng ta đã hình thành nên Hội Văn nghệ rồi Hội Liên hiệp VHNT, từ số hội viên ít ỏi khoảng trên dưới 200 người, chúng ta đã phát triển vượt bậc, lên tới con số trên 3000 người; từ một Hội tổng hợp, chúng ta đã phân nhánh thành các Phân hội chuyên ngành, rồi thành lập nên các Hội chuyên ngành, để rồi tiến tới như hôm nay là một Hội Liên hiệp VHNT có 9 thành viên là các Hội chuyên ngành hoàn chỉnh.

Các thành tựu VHNT Hà Nội cũng được rải đều, khá ấn tượng trên mọi chặng đường lịch sử và tạo ra những thành tựu nổi bật qua những thời kỳ có những chuyển biến lớn của Thủ đô và đất nước (như thời kỳ Thủ đô mới giải phóng 1954 - 55; thời kỳ khởi đầu chống Mỹ cứu nước 1965 - 1967; thời kỳ chiến thắng B.52 “Điện Biên Phủ trên không” 1972; thời kỳ thống nhất đất nước 1975 - 1976; và đặc biệt là thời kỳ khởi đầu công cuộc Đổi mới từ 1986 trở đi).

Chúng ta đang đứng trước nhiệm vụ lớn lao là tổng kết được thực tiễn văn học nghệ thuật của 35 năm Đổi mới đất nước, với tư cách là những người trong cuộc, vừa trực tiếp tham dự để trực tiếp tạo nên thành tựu, lại vừa trực tiếp là những người thừa hưởng những thành quả nổi bật của tiến trình Đổi mới trên đây.
1. Nhìn nhận văn học thời kỳ Đổi mới ở Thủ đô - Nhìn từ quan điểm phân kỳ.

Thời kỳ Đổi mới thuộc phạm trù văn học đương đại, luôn vận động và phát triển không ngừng, mà năm 1986 được xác định là cột mốc phân kỳ, mở ra giai đoạn văn học - nghệ thuật với tiêu chí hàng đầu là Đổi mới, Cách tân (đổi mới là chủ lưu, cách tân là chi lưu). Theo cách hiểu thông thường thì mốc văn học là để khép lại một giai đoạn, đồng thời mở ra một giai đoạn khác. Ở đây, mốc 1986 không phải đánh dấu cho sự chia tay, không phải giã từ quá khứ, mà nó có cả hai đặc trưng cho nền văn học: Vừa mở cửa vào tương lai lại cũng vừa mở cửa về quá khứ để tìm kiếm, kiến tạo lại và phục hưng các giá trị đích thực của văn học nghệ thuật thời kỳ trước đó. Mốc 1986 cũng không phải lát cắt ngang chia đôi tiến trình VHNT, để giai đoạn sau không còn liên hệ gì với giai đoạn trước. Thực tế cho thấy, công cuộc đổi mới văn học không diễn ra trên nền đất trống, mà đã từng có một cánh đồng văn học có giá trị, đã được gặt hái và thu hoạch. Các giá trị trước đó đều được trân trọng, kế thừa, được đánh giá lại theo cách nhìn mới, để làm vốn liếng cho sự phát triển tiếp theo.

- Nhìn từ quy luật vận động nội tại của văn học - nghệ thuật. Trong lịch sử văn học, sự đổi mới và cách tân không phải chỉ diễn ra một lần. Chỉ riêng thế kỷ XX, đã có 3 cuộc đổi mới và cách tân diễn ra vào các năm đầu, giữa và cuối thế kỷ. Mỗi cuộc như vậy đều có lý do riêng, hoàn cảnh riêng, nhưng đều xuất phát từ quy luật nội tại, là yêu cầu tự thân, sống còn của văn học. Thứ nữa mới đến tác động xã hội và sự tiếp biến văn học từ bên ngoài vào. Như chúng ta thấy, những nhà văn đi tiên phong trong thời kỳ Đổi mới không phải ai khác mà chính là những nhà văn đã từng trực tiếp tham gia vào việc kiến tạo thành tựu văn học thời kỳ chiến tranh cách mạng trước đó. Khi quy luật chi phối văn học thời chiến hết hiệu lực thì một quy luật khác xuất hiện và thay thế. Với tác động của quy luật này, các nhà văn tự thức tỉnh để nhận ra những non kém, hạn chế, thậm chí bất cập trong tác phẩm của mình trước đây, từ đó, đòi hỏi sự thay đổi. Mặt khác, sự nhận thức lại trên toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội những năm 90 của thế kỷ trước sau khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ đã làm cho hệ giá trị văn học và những hệ thống cốt lõi của lý luận văn học cũng thay đổi chóng mặt: Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nên hiểu như thế nào? Mối quan hệ giữa văn học và chính trị thực chất là ở đâu? Và nói chung, chức năng và thuộc tính của văn học, cần xem kỹ lại, có gì khác trước? Các trường phái lý thuyết nghệ thuật Âu – Mỹ, mà một thời, chúng ta khước từ, đều cần phải được điều chỉnh lại và được giải tỏa ra khỏi các định kiến hẹp hòi.  Tiếp đó là sự xuất hiện một đội ngũ các nhà văn trẻ với tư duy mới mẻ và được hấp thụ những tư tưởng mới, được đào tạo trong môi trường đương đại, trong thời đại bùng nổ thông tin và hội nhập toàn cầu. Tất cả các yếu tố này thực sự là động lực lớn lao cho tiến trình đổi mới, cách tân.

- Nhìn từ quá trình vận động khách quan. Ít nhất, trong giai đoạn này, có các yếu tố chi phối sau đây: Tác động của hệ thống tư tưởng chính trị ở nước ta sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; tác động của cơ chế thị trường; tác động của hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện; tác động của sự thay đổi đạo đức thẩm mỹ và lối sống trong xã hội; tác động của sự phát triển quá nhanh khoa học và công nghệ sang thời kỳ cách mạng kỹ thuật 4.0; tác động của Internet và hệ thống thông tin toàn cầu. Có rất nhiều yếu tố chỉ mới xuất hiện trong giai đoạn này, điều đó tạo nên sự khác biệt hết sức rõ nét và rất thú vị đối với người nghiên cứu văn học và xã hội học, mà trước đó hoàn toàn không có. Thủ đô của chúng ta đứng ở vai trò trung tâm then chốt của tất cả các biến chuyển này, vì thế cũng chịu các tác động rõ nét nhất và sâu sắc nhất.
2. Đánh giá thành tựu của văn học thời kỳ đổi mới ở Thủ đô

- Thành tựu về lý luận phê bình. Chìa khóa của Đổi mới là đổi mới về tư duy, về nhận thức và quan niệm. Có thể nói “cả Thủ đô đã động não” để tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề của đời sống, kinh tế, chính trị - xã hội và văn học nghệ thuật. Phải tư duy lại, nhận thức lại rất nhiều vấn đề cơ bản và trọng đại của lý luận và lịch sử văn học. Nhờ đổi mới tư duy, lý luận văn học và mỹ học mácxit tuy vẫn được xác định là cơ sở lý luận nền tảng, nhưng không còn giữ địa vị độc tôn, duy nhất như ở hậu bán thế kỷ XX trước đây. Với không khí dân chủ mới, các hệ thống lý thuyết nghệ thuật không ngừng được du nhập, tiếp thu và vận dụng với tinh thần khách quan, khoa học hơn. Đến thời điểm này, có thể nói hầu hết các lý thuyết văn học và mỹ học Âu - Mỹ hiện đại đều đã được biết đến ở Việt Nam, nhất là ở Thủ đô. Thực tiễn đó đã tạo ra sinh khí lý luận và học thuật mới, mau chóng đưa nền văn học từ trạng thái đơn lý thuyết sang trạng thái đa lý thuyết, mở rộng tầm tư duy, đổi mới phương pháp và cách thức tiếp cận, đủ điều kiện tiên quyết để cập nhật và đối thoại sòng phẳng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Một trong các hoạt động được xúc tiến sớm là nhận thức lại các giá trị và đánh giá lại các hiện tượng văn học, như một phương thức để trang trải các món nợ từ quá khứ. Ngay từ năm 1987, các cuộc hội thảo khoa học đã có cơ hội đánh giá lại Thơ Mới 1932 - 1945, giá trị văn chương Tự Lực văn đoàn, trào lưu văn chương lãng mạn và các hiện tượng văn học khác từng chịu những định kiến nặng nề do các nhận thức ấu trĩ một thời, có khi bị cố tình bỏ quên bên lề lịch sử văn học. Từ những thay đổi này, chúng ta cũng dần thiết lập lại một hệ giá trị văn học mới, vừa tương thích với hệ giá trị văn học chung của thế giới, vừa đáp ứng đúng các yêu cầu của thực tiễn văn học đương đại của Thủ đô chúng ta. Tiến trình dân chủ hóa văn học cũng song song hình thành cùng với từng bước đổi mới này.

- Thành tựu về sáng tác. Ngay từ giai đoạn khởi động trước Đổi Mới hàng chục năm, nhiều tác giả với đủ các thể loại tác phẩm (thơ Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, văn xuôi Đỗ Chu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, kịch Lưu Quang Vũ…) xuất hiện, đã hình thành tư tưởng cách tân mạnh mẽ, mang tinh thần xã hội - công dân sâu sắc, được ghi nhận như những hiện tượng “vượt rào”. Nhưng phải từ 1986 trở đi, những quan điểm về tự do sáng tác đã được “cởi trói”, nền văn học mới thực sự vận hành theo tiến trình dân chủ hóa và độc lập sáng tạo cởi mở và có ý thức hơn rất nhiều. Một cảm hứng nhân văn mới đã xuất hiện, đưa con người và những vấn đề của con người thường nhật, đương đại vào vị trí trung tâm của văn học, với những chiều kích khám phá, phát hiện mới. Biên độ thể loại được mở rộng, thậm chí phá vỡ. Các khuynh hướng tìm tòi, cách tân về kỹ thuật, hình thức thể hiện… được nở rộ chưa từng có. Đội ngũ tác giả văn học trẻ tăng lên đông đảo. Tuy nhiên, quá trình phát triển xô bồ nào cũng có những mặt tiêu cực. Bên cạnh thành tựu lớn lao, cũng bộc lộ những khía cạnh lệch chuẩn trong sáng tạo, lại cũng có những sáng tác chạy theo kỹ thuật đơn thuần hình thức, chạy theo trào lưu “thương mại hóa” của thị trường, tuy không phải là phổ biến.

Được sự chỉ đạo và quan tâm sâu sát của Thành ủy và UBND Thành phố,  chúng ta đã có những thành tựu đáng tự hào trong các hoạt động tổ chức và đầu tư sáng tác suốt nửa thế kỷ qua, đã tập hợp được đông đủ đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, tạo ra nhiều tác phẩm và công trình có chất lượng, phục vụ độc giả và công chúng Thủ đô. Trong số hội viên của Hội, tới nay đã có 36 tác giả được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 102 tác giả được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT, 95 tác giả được Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 43 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 75 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. 

Có 10 hội viên của Hội được phong tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Chúng ta cũng  xét trao Giải thưởng VHNT Thủ đô hàng năm cho các tác phẩm xuất sắc thuộc 9 lĩnh vực Văn và Nghệ (Đây là Giải thưởng cao nhất của VHNT Thủ đô, được tái lập lại từ năm 2008, tiếp nối truyền thống các Giải thưởng  VHNT Thủ đô đã được trao 5 năm 1 lần từ những năm 1975 - 1990, rồi sau đó ngừng lại một thời gian để xây dựng nên hệ thống “Giải thưởng Thăng Long” của UBND Thành phố, bao gồm ba lĩnh vực: Khoa học và công nghệ, Văn học nghệ thuật và Xây dựng - quản lý Nhà nước trong những năm 90 của thế kỷ trước). Quy mô phát triển Hội ngày càng cao, cho tới nay, sau khi Hà Tây sáp nhập vào, số hội viên của Hội đã tăng lên đông đảo, với nhiều tác giả sung sức thuộc nhiều độ tuổi. Trung bình hàng năm, các hội viên của Hội xuất bản, công bố hoặc dàn dựng không dưới 1500 tác phẩm thuộc 9 loại hình Văn và Nghệ với hình thức thể hiện phong phú, có quy mô và địa bàn phục vụ đa dạng. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất vẫn là chất lượng tác phẩm, phải được nâng tầm lên từng ngày, để ngày càng đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người Hà Nội đòi hỏi được hưởng thụ thành quả văn hóa văn nghệ ở tầm cao.

Những thập kỷ gần đây, với sự bùng nổ của thông tin và vi tính toàn cầu, có sự kết nối Internet toàn cầu, thế giới đã thu nhỏ lại gần như dưới cùng một mái nhà, mọi động thái, diễn biến trên toàn thế giới gần như đồng thời đã lan truyền đến khắp năm châu bằng tốc độ chóng mặt với cả sự chính xác toàn vẹn. Không có bất cứ một sự kiện gì có thể đứng ra ngoài hệ thống thông tin vận hành chớp nhoáng này. Báo nói và các trang viết trên mạng đang có điều kiện thống lĩnh cảm xúc và tư duy nhân loại. Phương tiện đã trở nên bão hòa, vấn đề chính là chúng ta phải điều chỉnh nhận thức và biết cách nắm bắt nó như thế nào, làm cho nó trở thành một lợi thế phù hợp với sự tiến hóa khách quan cũng như lợi ích, nhu cầu chủ quan của mỗi chúng ta. Và nhận thức của xã hội thì luôn có chiều hướng diễn tiến ngày càng cao lên, xa hơn, ngày càng tiệm cận thuận lợi đến sát chân lý khách quan. Chính đó cũng là quy luật luôn luôn ủng hộ để chúng ta được nghĩ và làm theo đúng chân lý khách quan và phép biện chứng của sự vật, được tận dụng mọi lợi khí và phương tiện hiện đại để giải quyết mọi vấn đề theo phương pháp khoa học và thế đứng cân đối hài hòa, bỏ xa dần nếp tư duy theo lối duy ý chí hoặc duy tâm chủ quan. 

Đồng thời, phương pháp tiếp cận với sáng tác của chúng ta cũng như thị hiếu thưởng thức của công chúng đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu kỹ càng hơn, để có khả năng đáp ứng và thích nghi. Vì vậy, vẫn cần có sự bình tĩnh, kiên tâm và tự tin; tin vào quy luật của sự phát triển sự vật và thế giới, tin vào sức mạnh thiên lương của sự tích lũy và chắt lọc mọi tri thức nhân loại, tin vào sức mạnh luôn tiềm ẩn những bước đột phá kịp thời của dân tộc cũng như cả sức bật ngay trong từng người chúng ta, để luôn luôn tự biết đột khởi bằng một lối tư duy quyết liệt và mạnh mẽ; rồi cũng từ đó, chắc chắn có thể khẳng định rằng tương lai của văn hóa văn nghệ sẽ còn mở rộng mãi và hứa hẹn một tiền đồ phổ cập tươi sáng. Nhận thức ấy hãy luôn luôn phải đi sóng đôi với cảm xúc nghệ sĩ của chúng ta và đồng thời là nền tảng cân bằng giữa lý trí và tình cảm để chúng ta đạt tới thành công.           
3. Một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Sau gần 35 năm Đổi mới, chúng ta có thể cùng suy ngẫm lại và đúc rút ra khá nhiều bài học bổ ích, những điều mà văn nghệ sĩ Thủ đô chúng ta đã làm rất tốt, làm tiền đề cho những chuyển tiếp tích cực trong tương lai và tạo ra một đội ngũ kế cận đủ năng lực, sẵn sàng làm thế hệ nối tiếp cho những thành tựu của VHNT Thủ đô:

-  Đầu tiên là bài học về sự giải phóng năng lực của đội ngũ sáng tạo. Cũng chính là những người đã tạo ra nền văn học trước Đổi mới, nhưng khi được giải phóng khỏi những ràng buộc, những điều “cấm kỵ” hữu hình và vô hình, giải phóng khỏi sự “bao cấp về tư tưởng” một thời gian dài, thì họ thực sự đã trở thành những chủ nhân chân chính của sức sáng tạo văn học thời kỳ Đổi mới.

-  Bên cạnh việc tuân theo quy luật riêng và yêu cầu cách tân nội tại của mình, văn học muốn đổi mới thực sự vẫn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chính trị - xã hội và thời cuộc. Lường trước và xử lý tốt các mối quan hệ cũng như thu hẹp lại các ảnh hưởng này sẽ hạn chế được các mặt tiêu cực không đáng có và đồng thời phát huy được thế chủ động của tiến trình phát triển văn học về sau.

-  Kinh nghiệm cũng cho thấy, khi các quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội tác động vào văn học không được nhận thức và phát hiện ra để xử lý kịp thời, lại không được tôn trọng đúng mức, thì lịch sử văn học sẽ phải trả giá cho những định kiến sai lầm đó. Sự sửa chữa, đôi khi cũng tốn thời gian, trí tuệ và công sức, vất vả đến mức không kém việc phải làm lại, gần như mới.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thành tựu văn học nghệ thuật Thủ đô từ thời kỳ Đổi mới đến nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO