Y tế - Giáo dục

Thành phố Hà Nội tiếp tục chủ động phòng, chống bệnh Sởi và tay chân miệng

Quỳnh Chi 14:16 23/04/2025

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản khẩn đề nghị các Sở, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội; các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn tiếp tục thông tin tuyên truyền; chủ động phòng, chống bệnh Sởi và tay chân miệng trên địa bàn Thành phố.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, tình hình bệnh Sởi và tay chân miệng có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trên địa bàn Thành phố. Số liệu của hệ thống giám sát dịch, tính đến hết ngày 13/4/2025 toàn Thành phố đã ghi nhận gần 1.700 trường hợp mắc Sởi (tăng gấp 3 lần so với số mắc Sởi năm 2024), số ca mắc theo tuần chưa có xu hướng giảm (trung bình 200 ca mắc/tuần), gia tăng trong nhóm tuổi đi học từ 6-15 tuổi, đồng thời đã ghi nhận thêm trường hợp tử vong liên quan bệnh Sởi trên người có nhiều bệnh nền.

benh-soi.jpg
Khám sàng lọc trẻ tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ tại Trạm y tế phường Yên Nghĩa , quận Hà Đông, Hà Nội.

Trên địa bàn Thành phố cũng ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2024 và có xu hướng gia tăng trong 4 tuần gần đây (3 tuần gần đây ghi nhận gần 200 trường hợp/tuần). Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận ổ dịch hoặc có học sinh mắc bệnh Sởi và Tay chân miệng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế; Chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội; để chủ động phòng, chống bệnh Sởi và tay chân miệng tiếp tục gia tăng trên địa bàn Thành phố, Sở Y tế Hà Nội đề nghị:

Sở Giáo dục và Đào tạo

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh Sởi và tay chân miệng trong trường học bằng nhiều hình thức để giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh nắm bắt được tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần triển khai. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập tổ chức theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày của học sinh; quản lý và thống kê lý do nghỉ ốm của học sinh để nắm bắt kịp thời, đầy đủ số lượng học sinh mắc Sởi và tay chân miệng nghỉ học và thông báo ngay cho Trạm Y tế trên địa bàn để phối hợp cách ly, xử lý kịp thời.

Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế để tổ chức hoạt động rà soát tiền sử và tổ chức tiêm chủng vắc xin Sởi cho học sinh chưa tiêm chủng đầy đủ theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế; tăng cường công tác vệ sinh khử khuẩn lớp học, đồ chơi, đồ dùng của học sinh (đặc biệt tại các trường mầm non, mẫu giáo) để phòng, chống bệnh tay chân miệng lây lan trong trường học; yêu cầu cha mẹ học sinh cho trẻ nghỉ học cách ly tại nhà để đi khám, điều trị khi mắc bệnh để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học (Sởi: cách ly từ khi có triệu chứng mắc bệnh đến sau phát ban 4 ngày; Tay chân miệng: cách ly 10 ngày kể từ ngày có triệu chứng mắc bệnh).

Sở Văn hóa và Thể thao

Hướng dẫn các cơ quan báo, đài thuộc Thành phố tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh Sởi và lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi để người dân đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi cho bản thân và người trong gia đình theo khuyến cáo của ngành Y tế (đặc biệt là nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ).

khuyen-cao.jpg
Khuyến cáo của Bộ Y tế trong phòng, chống bệnh Sởi trong trường học. (Ảnh: TTXVN).

Phối hợp với Sở Y tế để thông tin thường xuyên, đầy đủ, chính xác về tình hình dịch bệnh Sởi và tay chân miệng trên địa bàn Thành phố để người dân nắm bắt và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ đạo rà soát, ngăn chặn, xử lý các thông tin không đúng về dịch bệnh.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã

Chỉ đạo quyết liệt Trung tân Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ em trên địa bàn chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh Sởi, đặc biệt là nhóm trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1 đến 10 tuổi, đảm bảo không bỏ sót các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng nhưng chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh Sởi. Chủ động tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, khẩn trương đạt chỉ tiêu tiêm từ 95% trở lên cho nhóm trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Những đơn vị có tỷ lệ tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi còn thấp (dưới 70%) tính đến hết ngày 14/4/2025 là: Ba Đình, Gia Lâm, Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai, Hoàn Kiếm, Phúc Thọ, Sơn Tây.

Khẩn trương rà soát số lượng trẻ từ 11-15 tuổi và người trên 15 tuổi chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin Sởi để đề xuất tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi theo hướng dẫn của Sở Y tế. Đảm bảo đủ kinh phí, nhân lực, vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch và tiêm chủng trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã tăng cường thông tin, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi và Tay chân miệng, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các tuyến trong công tác triển khai các hoạt động phòng chống dịch Sởi và Tay chân miệng. Chỉ đạo Trung tâm Y tế thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Sởi và tay chân miệng trên địa bàn quản lý. Thực hiện thống kê, báo cáo, phân tích, đánh giá chính xác, kịp thời về diễn biến tình hình dịch trên địa bàn để có phương án đáp ứng phù hợp. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo dịch theo quy định tại Thông tư 54/2025/TT-BYT và báo cáo tiến độ, kết quả tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch Sởi trên địa bàn quản lý về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội hàng ngày để tổng hợp báo cáo Sở Y tế và UBND Thành phố.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

Tổ chức giám sát chặt chẽ và thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch Sởi và Tay chân miệng trên địa bàn Thành phố để tham mưu chỉ đạo biện pháp phòng chống kịp thời, không để dịch bệnh lây lan rộng ngoài cộng đồng. Dự trù đủ số lượng, tổ chức tiếp nhận và cung ứng kịp thời vắc xin phòng bệnh Sởi phục vụ cho công tác tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch; Thường xuyên kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các Trung tâm Y tế trong công tác triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh Sởi và Tay chân miệng.

khuyen-cao-cua-bo-y-te.jpg
Ảnh: TTXVN.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh Sởi và Tay chân miệng bằng nhiều hình thức; chủ động phối hợp với các cơ quan báo đài Trung ương và Thành phố để thông tin kịp thời đến người dân về diễn biến tình hình dịch và các khuyến cáo phòng, chống dịch để người dân nắm bắt kịp thời và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch cần thiết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Sở Y tế về việc tăng cường công tác chăm sóc, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng, chống lây nhiễm chéo bệnh Sởi tại các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường công tác giao ban, hội chuẩn liên khoa, liên viện để có phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Các trường hợp bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị cần liên hệ chuyển tuyến điều trị sớm, đảm bảo an toàn để hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong do bệnh Sởi./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hà Nội tiếp tục chủ động phòng, chống bệnh Sởi và tay chân miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO