Tầm nhìn văn hóa và chính sách chiêu hiền đãi sĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ| 11/01/2023 09:16

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tạo bước ngoặt sâu sắc, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao; là động lực, mục tiêu cao cả, là niềm cảm hứng to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân viết tiếp trang sử mới của một thời đại mới.

d2c12ca1-bbf4-448c-92fb-11cd991ee495.jpg
Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, 1969. Ảnh tư liệu

Ngay từ những ngày đầu và nhiều năm tháng sau đó, cách mạng tháng Tám và nguồn sáng tin yêu từ lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở thành niềm kiêu hãnh, kết nối và lan tỏa triệu triệu con tim, thành niềm cảm hứng lớn lao của cả dân tộc.

Với tầm nhìn thời đại, tầm vóc văn hóa, bản lĩnh chính trị, cùng với việc đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lúc đó rất yêu quý, tôn trọng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ. Để xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến kiến quốc nhiều hi sinh, gian khổ ở phía trước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực thi nhiều biện pháp nhằm phát hiện, tập hợp, sử dụng, trọng dụng nhân tài; giúp đỡ thế hệ trí thức mới tiến bộ, đào tạo họ thành những trí thức “chính tâm và thân dân” (1). Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, cùng với chống “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm, thì phải kiên quyết, nhanh chóng củng cố và tăng cường bộ máy chính quyền, thực thi quyền dân chủ của nhân dân “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”. Chính phủ

lâm thời tổ chức chu đáo, khẩn trương việc soạn thảo Hiến pháp cùng các công việc cho Tổng tuyển cử. Ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời, tiếp tục mở rộng thành phần là những người có tên tuổi, có uy tín, là nhân sĩ, trí thức tiêu biểu như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ông Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Tố, Lê Văn Hiến, Phạm Văn Đồng, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận… và một số thành viên khác của Việt Quốc, Việt Cách.
Qua những lần bổ sung và thông qua Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội, trong thành phần Quốc hội, Chính phủ có thêm sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn… Trong bài viết “Nhân tài và Kiến quốc”, đăng trên báo Cứu quốc, số ra ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Người nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài... E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đã tự nguyện rời bỏ cuộc sống nơi phồn hoa, trở về Tổ quốc tham gia kháng chiến kiến quốc, đó là: Hoàng Minh Giám, Vũ Ðình Tụng, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Phạm Quang Lễ (tức Trần Ðại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Lương Ðịnh Của, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Ðặng Văn Ngữ, Trịnh Ðình Thảo, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kon Tum...

Đường lối văn hóa kháng chiến “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện đầy đủ trong Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” ban hành ngày 25/11/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng; được sáng tỏ, nhấn mạnh trong bức thư “Nhiệm vụ văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước hiện nay” của đồng chí Trường Chinh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 16/11/1946. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết . Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”… “Số phận dân ta là ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.

Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (năm 1951) ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người đề cao vai trò xung kích của văn hóa trong sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Văn hóa cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự... phải tạo thành những mặt trận có sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “chính trị, kinh tế, văn hóa đều phải coi là quan trọng ngang nhau”.
Cũng như giới nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ thời kỳ cách mạng tháng Tám cũng ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trước sự đổi vận, đổi đời của dân tộc, của nhân dân mình. Từ đây, đội ngũ văn nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình văn học, nghệ thuật cùng dân tộc đi vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Họ đồng cam cộng khổ, gắn bó bền chặt với đời sống công, nông, binh; khám phá, ngợi ca và góp phần nhân lên niềm tin, sức mạnh, ý chí quyết chiến và quyết thắng của cả dân tộc. Những tên tuổi tiêu biểu được khẳng định và tiếp tục có những sáng tạo mới, thành công mới.

Đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân dưới ngọn cờ của Đảng, nhiều thế hệ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục trở thành người chiến sĩ trong các cuộc trường chinh đánh thắng giặc ngoại xâm, đưa đất nước vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều hội đoàn, tổ chức làm công tác văn hóa, văn nghệ, khoa học, kỹ thuật; các trí thức, văn nghệ sĩ Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đảng, Nhà nước khẳng định quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực to lớn để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển đất nước. Khâu đột phá đầu tiên và rất quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó, tầng lớp trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là đội ngũ tài năng của dân tộc, từ đó góp phần nâng tầm trí tuệ, tầm văn hóa của dân tộc, sức mạnh nổi trội của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tầm nhìn văn hóa và chính sách chiêu hiền đãi sĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO