Cách đây hơn 4 tháng, chỉ trong 3 ngày, từ 28 đến 31/8/2018, xã miền núi Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa phải hứng chịu những trận mưa xối xả khiến những triền núi đất đá ầm ầm sạt lở. Và, chỉ trong tích tắc, hàng trăm căn nhà dọc bờ sông mã cùng trường tiểu học Trung Sơn đã bị lũ quét cuốn trôi, nhấn chìm dưới lòng sông trong tiếng gào khóc vô vọng của bao hộ dân nghèo. Mùa màng cũng tan hoang. Đường xá, cầu cống bị phá hủy. Thành quả lao động cả đời của bao bà con bản làng bỗng chốc bị cơn lũ ma
Sau khi tình cờ biết được câu chuyện đau lòng trên, bà Lê Thị Bình, dược sĩ, giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại dược phẩm Tâm Bình đã đau đáu: muốn làm được một điều nhỏ nhặt gì đấy giúp ích người dân vùng lũ Trung Sơn. Vì vậy, bà đã hủy chuyến công tác dài ngày có lịch sẵn để tới thị sát, trao quà cho người dân và hứa sẽ xây lại giúp cho người dân cây cầu bị phá hủy sau trận lũ, để người dân đi lại bớt khó khăn và để các cháu nhỏ được yên tâm đến trường.
Nói là làm, tháng 11/2018, cây cầu tràn kết nối bản Chiềng ra trung tâm xã đã chính thức được khởi công, với tổng số tiền tài trợ là 500 triệu đồng từ Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dược phẩm Tâm Bình. Chỉ trong chưa đầy 2 tháng thi công thần tốc, ngày 13/1/2019, cầu Tâm Bình đã khánh thành trong bao niềm vui của bà con. Từ nay, cả bản Chiềng sẽ không còn bị dòng suối chia cắt và hơn 100 học sinh nghèo trong bản sẽ không còn phải lội suối đi học như xưa.
Từ nay cả bản Chiềng sẽ không còn bị dòng suối chia cắt và hơn 100 học sinh nghèo trong bản sẽ không còn phải lội suối đi học như xưa. Ông Lương Văn Đia, 62 tuổi, một người dân gốc bản Chiềng, đã xúc động viết những câu thơ chân tình, cùng với bà con bản Chiềng đã đến gửi tặng bà Bình nhân ngày khai trương, trong đó có đoạn:
“Ai về Chiềng Pán yêu thương
Cầu tràn đã nối, con đường đã thông
Khách về thăm bản càng đông
Ruộng nương thêm bắp, thêm bông lúa vàng”
Đứng trên cây cầu tràn mới, bà Hà Thị Ngoại trên 60 tuổi bồi hồi nói: “Bao đời nay rồi, trước đây là cây cầu tạm bợ nhỏ tí, ngày mưa gió không mấy ai dám qua lại, nhất là từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Cứ mưa là con tôi phải nghỉ học, không dám đi qua cầu, khó khăn lắm. Trước có người mưa gió vẫn cứ cố đi qua, thế là bị trượt chân ngã xuống suối rồi không quay lại nữa. Ngô, khoai sắn, luồng của bà con qua con suối là phải bê vác vất vả, chứ không thể chở được bằng xe. Giờ có cây cầu Tâm Bình mới này, bà con chúng tôi phấn khởi lắm, không còn sợ nguy hiểm nữa”.
Cũng trong ngày khánh thành cầu Tâm Bình, để giúp bà con có thêm sức khỏe sau thiên tai và an tâm đón Tết cổ truyền dân tộc, bà Bình cùng đoàn cán bộ y bác sĩ, dược sĩ Công ty Dược phẩm Tâm Bình đã khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Trung Sơn ngay tại trạm y tế xã. Có những bà con người dân tộc khi đang được thăm khám thì bỗng dưng bật khóc chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng xúc động khi lần đầu tiên được các y bác sĩ, dược sĩ từ xa tới thăm khám tận tình và rất chu đáo”.
Bà Bình vui vẻ cấp phát thuốc cho người dân.
Trước khi trở về Hà Nội, bà Bình cùng đoàn cán bộ, công nhân viên Công ty Dược phẩm Tâm Bình còn ghé thăm trường Tiểu học xã Trung Sơn. Đây là điểm trường học bố trí tạm cho các em học sinh trong lúc chờ đợi trường mới đang xây, thay thế mái trường cũ bị lũ cuốn trôi. Trên gương mặt các em học sinh đều hiện lên sự vô tư, hồn nhiên như chưa từng có trận lũ nào càn quét qua bản làng. Bà Bình cùng đoàn cán bộ đã trao tặng 30 xuất học bổng dành cho các em nghèo hiếu học và dành tặng 314 áo ấm đồng phục cho toàn bộ học sinh trường tiểu học. Trời hửng nắng và se lạnh trên sân trường, từng em nhỏ được khoác lên áo ấm mới từ chính tay thầy cô, từ bà Bình và từ từng cán bộ công nhân viên của Công ty Dược phẩm Tâm Bình. Trên ánh mắt và gương mặt rạng ngời của các em đều ánh lên bao niềm vui về một ngày mai.
Bà Bình trao tặng các xuất học bổng dành cho các em nghèo hiếu học.
Mong rằng, bà Bình và công ty dược phẩm Tâm Bình sẽ luôn luôn có những bước phát triển mạnh mẽ trong công việc, để chị Bình có thể an tâm tiếp tục thực hiện được ước ấp ủ: “Xây những cây cầu kết nối yêu thương, cho các vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, để các em nhỏ không phải bỏ học vì phải lội suối băng sông, để bà con được lao động sản xuất thuận lợi hơn, đi lại đỡ nguy hiểm hơn”.