Sự tích Thành hoàng đình Sảo Thượng

Phạm Bá Dực| 03/05/2018 09:01

Trang Cổ Liêu, tổng Khai Thái, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam - thời đầu Nguyễn thuộc tỉnh Hà Nội, cuối Nguyễn thuộc tỉnh Hà Đông, nay là làng Sảo Thượng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. Đình Sảo Thượng thờ Hiển Vật đại vương - một danh tướng dưới trướng Đinh Bộ Lĩnh. Ông đã có công tham gia dẹp nạn 12 sứ quân cát cứ để xây dựng nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền đầu tiên của nước ta. Đình Sảo Thượng đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia ngày 19/1/2001.

Sự tích Thành hoàng đình Sảo Thượng
Đình Sảo Thượng

Chuyện xưa kể rằng ở đạo Hải Dương, Hồng Châu có gia đình ông Nguyễn Công Thanh và bà Trần Thị Ngọc sống hạnh phúc, sinh được 2 người con trai đều có tướng mạo như rồng. Ông bà rất mừng và đặt tên người con cả là Vật, người con thứ hai là Lôi. Khi hai anh em khôn lớn, người mẹ bị bệnh nặng qua đời. Từ đấy gia đình trở nên nghèo khó. Ba cha con ông Nguyễn Thanh phải dời quê đi tìm nơi đất mới để làm ăn sinh sống. Khi đến trang Cổ Liêu, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam thấy Cổ Liêu thắng địa, bên sông Nhị Hà, người dân thuần hậu hai người con thưa với cha cho định cư ở đất này, cha đồng ý. Ba cha con xin dân trang Cổ Liêu làm một nhà nhỏ dưới gốc cây cổ thụ ven sông. Ở đây, họ mở lò dạy võ. Nhiều thanh niên trong trang và trong vùng xin đến học tập.

Tại Cổ Liêu, ông Nguyễn Công Thanh tái giá với một người con gái xinh đẹp trong trang, tên là Tạ Hoan Lương. Sau một thời gian, ông bà sinh được bốn người con trai. Con cả đặt tên là Quán, thứ hai tên là Quảng, con thứ ba tên là Linh, con thứ tư tên là Lạc. Khi đến tuổi đi học, sáu người con cùng học văn, luyện võ, đều nổi tiếng anh tài. Một thời gian sau, cha mẹ đều qua đời. Sáu anh em đều đã trưởng thành. Họ lập đồn binh, tổ chức thanh niên luyện tập võ bị, tích lũy lương thảo để mưu làm việc lớn, chia trang Cổ Liêu thành nhiều khu để lập đồn, doanh trại, mỗi khu một ông đứng đầu. Khu đất ông Sảo và ông Tạ xưa là doanh trại của ông Vật (nay là đất Sảo Thượng).

Thời kỳ này, nước Đại Việt bị loạn do 12 sứ quân chia nhau cát cứ các nơi. Nhân dân phải chịu muôn phần khổ cực do loạn lạc của 12 sứ quân thôn tính lẫn nhau gây ra. Khi ấy có người ở động Hoa Lư là họ Đinh, tên Bộ Lĩnh phất cờ khởi nghĩa. Nghe lời hịch của Đinh Bộ Lĩnh, 5 người con của Nguyễn Công Thanh phấn khởi khao binh rồi đưa quân về Hoa Lư xin gia nhập nghĩa quân. Thấy các ông tướng mạo phi thường, oai phong lẫm liệt, quân lính chỉnh tề, vũ khí tinh nhuệ, Đinh Công rất mừng, phong các ông làm tướng thống lĩnh quân, chia làm các đạo cùng tiến đánh giặc loạn.

Đạo quân của ông Nguyễn Vật tiến về Trường Châu đánh Trần Hồ.

Đạo quân của ông Nguyễn Lôi tiến về Bình Kiều đánh Ngô Xương Xí.

Đinh Tướng Công tiến vào Đỗ Động đánh Đỗ Cảnh Thạc… Những trận đánh quyết liệt, Cảnh Thạc thua to. Từ đó quân của Đinh tướng công đánh tiếp, 12 sứ quân quy hàng. Sau chiến thắng, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư. Nhà vua đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình. Đây là nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền đầu tiên của nước ta.


Sau đó, Đinh Tiên Hoàng luận công ban thưởng cho tướng sĩ, trong đó: Đại tướng quân Nguyễn Vật được hưởng thực ấp ở huyện Phù Vân. Đại tướng công Nguyễn Lôi được hưởng thực ấp ở huyện Thượng Tiền. Đại tướng công Nguyễn Quán được hưởng thực ấp ở huyện Diễn Châu. Đại tướng công Nguyễn Quảng được hưởng thực ấp ở huyện Lập Châu. Hai vị Nguyễn Linh và Nguyễn Lạc cùng các tướng đi theo Vương thất.

Sau đó 5 ông về thăm quê ở Cổ Liêu, nhân dân đón mừng nồng nhiệt. Các ông xin dân trang lập sinh từ để sau này lấy chỗ thờ cúng. Đại tướng công Nguyễn Vật vốn trước đây lập đồn doanh ở xứ ông Tạ và ông Sảo nên nhân dân lập sinh từ ở khu đất này. Sau này, nhân dân thôn Sảo Thượng suy tôn đại tướng quân Nguyễn Vật làm Thành hoàng. Còn các ông em, ngày xưa doanh trại ở vùng Quang Lãng, Mai Xá nên miếu thờ ở bên đó. Do có công lao với dân với nước nên nhân dân làm thơ ca ngợi như sau: “Sinh vi tướng hóa vi thần/ Hà tất ân ân tài thế nhân/ Kim triệu ngũ ông hồi đế khuyết/ Sơn hà ấy tại thái bình quân”.

Khi các ông hóa, nhân dân dâng biểu tâu trình, nhà vua lấy làm thương tiếc, gia tặng thêm mỹ tự là “Thượng đẳng phúc thần”, ra sắc lệnh cho dân thờ cúng mãi mãi.

Phong cho Hiển Vật đại vương hai khu ông Tạ, ông Sảo thờ cúng. Phong “Lôi điện uy dung đại vương”, trang Cổ Liêu thờ cúng. Phong “Cửu Quán đại vương”, khu Quang Lãng thờ cúng. Phong “Đồng miếu đại vương”, khu Mai Xá thờ cúng. Các chữ Vật, Lôi, Quảng, Quán, Linh, Lặc đều kiêng kỵ.

Đình Sảo Thượng là công trình kiến trúc thời Nguyễn. Một số hạng mục bên trong đình như xà, cột và cốn là kiến trúc theo phong cách nhà Lê. Đình có hai công trình chính, ngôi đại bái xây dựng theo kiểu chữ đinh T có 5 gian, chiều dài 13,5m, ngôi hậu cung nối liền với đại bái thành hình chuôi vồ. Hai ngôi nhà đều xây tường bao quanh, xây đầu hồi bít đốc trên đầu nóc có đấu vuông.

Về kiến trúc gỗ ngôi đại bái: khung nhà có 6 hàng cột, tổng số có 24 cột chính và cột quân… Hệ thống kiến trúc bằng gỗ thể hiện phong cách mỹ thuật thời hậu Lê. Trên bộ vì và kẻ bẩy… đều đục chạm hoa văn lá lật, vân mây cuồn cuộn… Ngôi đại bái còn có bộ vì thời Nguyễn, khi di chuyển đã trùng tu. Ngôi hậu cung có 2 gian. Những bộ vì làm kiểu chồng rường điển hình thời Nguyễn. Mặt khác có một số mảng chạm khắc thời hậu Lê…
Đình còn giữ một số hiện vật tiêu biểu, như: cuốn thần phả và 7 đạo sắc phong của các triều đại nhà nước phong kiến; ngai thờ, sập thờ chân quỳ dạ cá, 1 hương án, 1 kiệu bát cống, cuốn thư nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn, 1 bức cửa võng nghệ thuật thời Nguyễn.

Đình Sảo Thượng là công trình kiến trúc lâu đời, nghệ thuật triều Lê và được xây dựng ngoài chân đê sông Hồng. Đến thời Nguyễn, nhân dân chuyển vào trong đê như hiện nay. Đình Sảo Thượng thờ đại tướng quân Nguyễn Vật, người có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, đồng thời là nơi sinh hoạt của dân làng, tổ chức lễ, hội trong các dịp lễ thánh và các dịp lễ tết của người dân sở tại. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Sự tích Thành hoàng đình Sảo Thượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO