Theo đơn thư phản ánh của ông T.V.A, L.K.H và H.Đ.L (trú tại tỉnh Lào Cai), vào năm 2016, tỉnh Lào Cai có tổ chức cuộc thi tuyển công chức ngành y tế. Do tin tưởng nên 3 người này đã đưa cho anh Đào Ngọc Tuân (thời điểm đó đang công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai) và bà Phạm Thị Sửu tổng số tiền là 1.335.000.000 đồng.
Việc giao nhận tiền để “chạy thi” công chức giữa anh T.V.A và anh Đào Ngọc Tuân đều có giấy nhận tiền. Đơn cử, tại giấy nhận tiền lập ngày 24/9/2016, anh Đào Ngọc Tuân ký nhận “Ngày 24/9/2016, tôi có nhận của em H. số tiền 130 triệu đồng để lo thi vào biên chế y. Nếu tôi không lo được tôi xin trả lại hoàn toàn số tiền này”.
Giấy nhận tiền “chạy thi” vào biên chế y của anh Đào Ngọc Tuân.
Mặc dù đã nhận đủ tiền, nhưng kết quả là 7 người “chạy” thi đều không trúng tuyển. Bản thân bà Sửu cũng đã nhiều lần viết giấy hẹn, hứa trả tiền. Trích nội dung giấy hẹn ngày 20/8/2017, bà Phạm Thị Sửu hứa “Hẹn với ông T.V.A sẽ thanh toán số tiền 500 triệu đồng vào chiều ngày 21/8/2017. Số còn lại sẽ thanh toán hết vào ngày 05/9/2017. Nếu sai hẹn tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Nhưng đến nay, các bị hại vẫn chưa nhận lại được số tiền này. 3 người đã đòi tiền “chạy thi” nhưng không được nên đã làm đơn tố cáo hai mẹ con bà Sửu ra Công an TP. Lào Cai.
Quá trình xác minh, ngày 10/9/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Lào Cai ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm số 12/QĐTĐC về việc ông T.V.A tố cáo bà Phạm Thị Sửu, anh Đào Ngọc Tuân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với lý do: “Sau khi tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thấy, vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cơ quan điều tra đã triệu tập đối tượng Ngô Thị Lài đến để làm việc nhưng đối tượng vắng mặt tại địa phương, chưa xác định được đi đâu, làm gì. Do vậy, không lấy được lời khai, mẫu chữ viết, chữ ký để trưng cầu giám định xác định có phải đối tượng đã nhận và ký giấy nhận tiền với bà Phạm Thị Sửu nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Sửu hay không để có căn cứ đề nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Không đồng tình với Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm của Công an TP. Lào Cai, cho rằng việc tạm đình chỉ không đúng nên các bị hại đã có đơn thư kêu cứu nhiều nơi, mong các cơ quan sớm vào cuộc. Nhưng đến nay cơ quan điều tra Công an TP. Lào Cai vẫn không hề có thông tin nào về vụ việc.
Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Lào Cai.
Một bị hại cho biết: “Mẹ con bà Sửu đã nhận tiền và cam kết cho 7 trường hợp thi đỗ công chức ngành y tế, nếu không được phải trả lại tiền. Nhưng đến nay, mẹ con bà Sửu không trả tiền cho chúng tôi. Tôi còn biết, sau vụ lùm xùm “chạy thi” không thành, anh Tuân cũng không còn công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai. Bà Sửu, anh Tuân không có chức năng, quyền hạn gì về thi tuyển công chức ngành y tế trong tỉnh, đã lừa lấy tiền của chúng tôi. Như vậy, đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có ý kiến chỉ đạo Công an tỉnh Lào Cai chỉ đạo kiểm tra, xem xét việc giải quyết của Công an TP. Lào Cai.
Khi tiếp nhận đơn thư tố cáo của các bị hại, UBND tỉnh Lào Cai đã rất quan tâm, xem xét tới vụ việc này. Ngày 30/3/2020, UBND tỉnh Lào Cai có Văn bản số 166 gửi Công an tỉnh Lào Cai và các Sở liên quan với nội dung: “Ngày 13/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhận được đơn của ông T.V.A, L.K.H và ông H.Đ.L. tố cáo ông Đào Ngọc Tuân, đang công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai và mẹ ông Tuân là bà Phạm Thị Sửu, cán bộ Sở Tư pháp đã nghỉ hưu có hành vi nhận tiền của các ông để xin việc làm và đảm bảo việc trúng tuyển thi công chức, viên chức vào ngành y tế cho 07 người, nhưng cả 07 trường hợp đó đều không được trúng tuyển, các ông đã đòi lại tiền nhưng mẹ ông Tuân không trả lại còn có hành vi trốn nợ. Về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai có ý kiến chỉ đạo Công an tỉnh Lào Cai chỉ đạo kiểm tra, xem xét việc giải quyết của Công an TP. Lào Cai và giải quyết nội dung công dân tố cáo theo quy định của pháp luật…”.
Ngày 28/4/2021, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục có Văn bản số 210 gửi Công an tỉnh có ý kiến đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết của Công an TP. Lào Cai về vụ việc này.
Dù vậy, phía cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Lào Cai được cho là vẫn không có thông tin. Một lần nữa, các bị hại tiếp tục có đơn đề nghị khẩn gửi cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Lào Cai (ngày 29/3/2021), đề nghị Công an TP. Lào Cai giải quyết việc bà Phạm Thị Sửu và ông Đào Ngọc Tuân lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đơn đề nghị khẩn cấp, bị hại T.V.A trình bày: “Tại cơ quan Công an, mẹ con bà Sửu thừa nhận có nhận tiền xin việc của chúng tôi, nhưng lại bị đối tượng Ngô Thị Lài lừa hết tiền, nên không còn tiền trả lại, hứa sau khi bán nhà xong sẽ trả tiền cho chúng tôi. Vì bà Sửu hứa trước cơ quan điều tra, nên chúng tôi cho mẹ con bà ta một cơ hội, để thu xếp bán nhà đất, trả tiền. Tuy nhiên, mẹ con bà Sửu không thực hiện lời hứa. Đến nay đã hơn 3 năm trôi qua, (theo lời hứa tại cơ quan điều tra) vẫn không trả lại tiền cho chúng tôi”.
Ngâm án đến bao giờ?
Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 bị hại nói trên, Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nêu quan điểm: “Quá trình xác minh nguồn tin tố giác tội phạm và điều tra ban đầu cho thấy, mẹ con bà Sửu thừa nhận có sự việc nhận tiền của các anh T.V.A, L.K.H và H.Đ.L. Bà Sửu đã nghỉ hưu, không còn công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai, không còn chức vụ, quyền hạn gì để “chạy việc” công chức trong ngành y tế cho người khác. Điều này cho thấy, bà Sửu đã có ý đồ chiếm đoạt tiền từ trước”.
Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc công ty luật Dragon.
Từ phân tích trên, Luật sư Minh Long không đồng tình với lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án nêu trên của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Lào Cai. Luật sư Nguyễn Minh Long nhận định, chỉ cần dựa vào những căn cứ này, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Lào Cai đã có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Đào Ngọc Tuân và bà Phạm Thị Sửu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Một góc nhìn khác, Luật sư Minh Long cho rằng, việc điều tra bà Ngô Thị Lài không liên quan đến việc khởi tố bà Phạm Thị Sửu và Đào Ngọc Tuân trong vụ án này. Qua đấu tranh, cơ quan điều tra xác minh được bà Lài không công tác trong ngành tư pháp, không có thẩm quyền, khả năng xin việc. Các bị hại đã đưa tiền cho mẹ con bà Sửu, họ không hề biết bà Sửu đưa tiền cho đối tượng Ngô Thị Lài. Sau này, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, các bị hại mới biết đến bà Ngô Thị Lài qua lời khai của bà Sửu. Họ khẳng định chỉ đưa tiền cho bà Sửu, không biết bà Lài là ai.
Đã đến lúc Viện Kiểm sát nhân dân TP. Lào Cai, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai, Công an tỉnh Lào Cai cần vào cuộc và chỉ đạo Công an TP. Lào Cai nhanh chóng phá vụ án đã “ba năm rõ mười” này.