Thay đổi để thích nghi
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xâm nhập vào mọi mặt đời sống xã hội, với nhiều ứng dụng rộng rãi, trong đó bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng không phải ngoại lệ. Theo các chuyên gia văn hóa, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số là việc làm cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, bảo tồn di sản văn hóa một cách bền vững, khoa học và hiệu quả thực tiễn cao. Thông qua việc số hóa, công nghệ về lưu trữ cùng với các phần mềm tái hiện đa phương tiện, công chúng sẽ được tiếp cận, khai thác và tương tác mà không làm tổn hại đến di sản, di tích.
Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thử nghiệm màn trình diễn công nghệ 3D Mapping |
Không đứng ngoài xu thế chung, các di tích, trên địa bàn Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc, ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám các ứng dụng công nghệ hiện đại đã được áp dụng triển khai như: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; Ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác mã QR); Hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI...
Đặc biệt cuối năm 2021, với mong muốn đưa không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian văn hóa với các hoạt động văn hóa cả ngày và đêm, có thêm nhiều những sản phẩm phục vụ du khách tham quan, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào thử nghiệm màn trình diễn công nghệ 3D Mapping...
Những ứng dụng công nghệ đã giúp du khách tiếp cận gần hơn với di tích, tạo điểm nhấn ghi điểm với khách du lịch trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như hệ thống thuyết minh tự động sẽ giúp phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của du khách. Trước đây Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai thuyết minh tiếng Anh, chỉ đáp ứng được các đoàn khách đông, không đáp ứng được các đoàn khách lẻ. Hiện nay với hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ, trong đó có những ngôn ngữ không quá phổ cập như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nga.... theo đó bất cứ du khách nào đến tham quan, trải nghiệm tại di tích đều được phục vụ, đáp ứng đủ nhu cầu. Việc sử dụng hệ thống thuyết minh đem đến sự văn minh, bởi khách đi tham quan đều có thể tự khám phá, không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Hay như việc ứng dụng QR Code, giúp du khách tự khám phá những giá trị của di tích thông qua hệ thống đó mà không phụ thuộc vào hướng dẫn viên du lịch....
Đánh giá về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản, khai thác du lịch, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là việc nên làm và cần thiết, phù hợp với xu thế của cuộc sống hiện đại, nhất là đối với thế hệ trẻ. Thời gian qua Trung tâm đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn. Năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trong đó tập trung số hóa 3D toàn bộ các hạng mục của di tích, xây dựng những sản phẩm công nghệ thực tế, chuyển đổi số trong hệ thống quản lý vé tại Văn Miếu, hướng tới việc bán vé online...”
Ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều điểm đến khác của Hà Nội từ lâu cũng áp dụng công nghệ số phục vụ khách du lịch như: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thường xuyên kết hợp tổ chức các triển lãm, trưng bày theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ngoài giới thiệu các triển lãm, trang “trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn” còn giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước.
Hay làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là làng nghề đầu tiên ứng dụng công nghệ VR3D giúp du khách tham quan làng nghề và hòa mình vào lễ hội làng với đầy đủ các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm công nghệ thực tế ảo.
Cùng chung tay bảo tồn
Trước đây, bảo tồn di sản văn hóa thường được mặc định là công việc của giới nghiên cứu và các cơ quan quản lý Nhà nước nhưng ngày nay, trước sự phát triển nhanh của công nghệ cùng với ý thức, niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người dân ngày càng được nâng cao, việc bảo tồn di sản không còn là trách nhiệm riêng của các nhà chuyên môn mà thu hút sự tham gia của cả cộng đồng.
Cách đây vài năm, thanh niên trẻ Hà Nội Nguyễn Trí Quang đã cho ra mắt công trình sử dụng công nghệ thực tế ảo 3D (Virtual Reality 3D-VR3D) tái hiện không gian đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức). Bằng công nghệ VR3D, người xem có thể tương tác, xoay lật mọi góc nhìn để quan sát hiện trạng di tích một cách cụ thể trong không gian 3 chiều. Đến nay người dân vẫn có thể trải nghiệm công trình.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám hướng đến xây dựng sản phẩm tour đêm, ứng dụng công nghệ kể câu chuyện về đạo học Việt Nam |
Mới đây nhất, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ Meta 365 cho ra mắt công trình thanh niên QR Code các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Công trình được áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giọng nói để thuyết minh bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh giới thiệu về từng khu vực tham quan tại các khu di tích. Tại mỗi điểm di tích đều được gắn các mã QR tích hợp liên kết với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo nhằm nâng cao tính phổ biến và thuận tiện trong quá trình truy cập của du khách khi tới tham quan.
Các công trình trên là minh chứng cho thấy sự tham gia nhiệt tình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của thế hệ trẻ vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cha ông. Đó cũng là cách giúp du lịch Thủ đô thêm đẹp, có tính hấp dẫn hơn trong mắt du khách và hội nhập, vươn ra thị trường du lịch quốc tế. /.