Một trong những nội dung được các đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm là công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn hoành hành, gây ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng giao thông...
Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi: Việc đào tạo sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe còn hạn chế, thậm chí có tiêu cực, vì sao? Bộ trưởng chỉ đạo như thế nào để khắc phục tình trạng này?
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể. |
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, thời gian qua, Bộ đã tập trung chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Thanh tra Bộ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Hiện, Bộ đang xây dựng dự thảo điều chỉnh các nghị định liên quan để kiểm soát chặt chẽ việc đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe; đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp sử dụng lái xe; tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm...
Cụ thể, Bộ tham mưu Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nhằm tăng cường giám sát thời gian học cả lý thuyết và thực hành của học viên ở các trung tâm; tăng độ khó của đề thi. Đặc biệt, sẽ đưa ra một số tình huống thi, nếu học viên làm không đúng bị trượt ngay.
Đáng chú ý, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, số lượng câu hỏi trong bộ đề thi sẽ tăng từ 450 lên 600 câu; số câu hỏi mỗi đề thi cũng tăng từ 30 lên 36-45 câu. Bên cạnh đó sẽ dùng thiết bị mô phỏng để học viên lái xe thực hành chạy trên đường khó, đường miền núi.
“Với trách nhiệm của mình, Bộ sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa công tác đào tạo, sát hạch lái xe để đáp ứng yêu cầu mỗi lái xe sau khi được nhận bằng có thể hoạt động tốt nhất”, Bộ trưởng nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thị Thủy (Đoàn Thanh Hóa) về mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp trong đăng kiểm xe và bảo đảm an toàn hành khách, phương tiện, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết, để giám sát các trung tâm đăng kiểm, hiện hầu hết trung tâm kiểm định xe ở địa phương đã được kết nối với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cục có trách nhiệm giám sát toàn bộ quy trình kiểm định xe của trung tâm. Những trung tâm vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Thực tế, trong năm nay, Trung tâm Kiểm định ở Bắc Giang đã bị rút giấy phép vì vi phạm. “Lợi nhuận nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn hành khách, phương tiện. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm của vị trưởng ngành trước những sai phạm nghiêm trọng trong đăng kiểm thời gian qua: “Chỉ trong vòng 17 tháng gần đây, có 86 đăng kiểm viên có sai phạm; tính trung bình một tháng có 5 đăng kiểm viên sai phạm; đề nghị Bộ trưởng báo cáo rõ kết quả xử lý 86 đăng kiểm viên này”.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, cả nước có tới hơn 300 trung tâm, đơn vị đăng kiểm, vì vậy việc giám sát cần được tăng cường. Sai phạm lớn nhất của trung tâm đăng kiểm là làm không đúng quy trình.
Một số cán bộ vi phạm như đại biểu phản ánh đều đã bị xử lý nghiêm, cho thôi việc.
Về trách nhiệm và giải pháp phòng ngừa, Bộ GT-VT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trung tâm, nhất là những trung tâm có vấn đề mà dư luận xã hội đề cập.
Theo Bộ trưởng, nếu công tác kiểm tra, giám sát làm tốt thì các phương tiện được bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, hạn chế được tai nạn liên quan đến chất lượng phương tiện.
Đối với vấn đề xử lý xe quá khổ, quá tải, "tư lệnh" ngành Giao thông - Vận tải nhấn mạnh, việc xử lý xe quá khổ, quá tải là trách nhiệm của nhiều lực lượng chức năng. Bộ GT-VT có các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam. Khi đăng kiểm, tất cả các xe đều phải bảo đảm đúng quy trình, kết cấu trong hồ sơ. Tuy nhiên, trong thực tế, sau khi đăng ký, đăng kiểm, một số chủ phương tiện cơi nới thành thùng để chở quá tải.
Tình trạng xe quá khổ, quá tải xảy ra tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở các tuyến đường nông thôn. Các xe này không dám đi trên đường quốc lộ vì ở đây có nhiều lực lượng tuần tra kiểm soát. Bộ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, cùng với công an các cấp tăng cường kiểm tra giám sát. Đây là hành vi phá hoại tài sản của Nhà nước, cần xử lý nghiêm.