Sáng ngày 27/5, tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Nghệ sĩ điện ảnh Thủ đô sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Sự kiện do Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức đã thu hút được đông đảo các hội viên Hội Điện ảnh Hà Nội tham gia. Nhiều ý kiến tại tọa đàm một lần nữa tiếp tục làm sáng tỏ hình ảnh của Người trong tác phẩm điện ảnh cũng như những trăn trở làm thế nào để có thêm nhiều thước phim hay về Bác.
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Loan - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm. Bác Hồ - Nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều sáng tác của các nghệ sĩ, từ văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật đến âm nhạc, múa, sân khấu… Riêng trong lĩnh vực điện ảnh đã có rất nhiều thước phim ra đời từ niềm trân trọng, yêu kính Bác.
Ở thể loại phim tài liệu, với lợi thế trong việc tái hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi hệ thống kho tư liệu, hình ảnh phong phú, các nhà làm phim tư liệu đã cho ra đời nhiều bộ phim tài liệu về cuộc đời và hoạt động của Hồ Chủ tịch, về mối quan hệ của Bác Hồ với nông dân, với bộ đội, với các cháu thiếu niên nhi đồng… Từ những năm tháng kháng chiến cứu nước gian khổ, điện ảnh non trẻ và thiếu thốn đã có những bộ phim tư liệu về Bác Hồ kính yêu. Đó là những thước phim vô cùng quý giá về mặt tư liệu lịch sử. Có thể nhắc đến một số bộ phim tư liệu gây tiếng vang lớn trong việc khắc họa chân dung Bác Hồ như: “Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (đạo diễn Quang Huy), “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” (đạo diễn Phạm Kỳ Nam - Hồng Hà), “Hồ Chí Minh -chân dung một con người (đạo diễn Bùi Đình Hạc), “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ” (đạo diễn Phạm Quốc Vinh)...
Không chỉ có phim tài liệu, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã được một số đạo diễn tái hiện sinh động trong các thể loại phim truyện. Từ cuốn sách “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, đạo diễn Long Vân đã cho ra đời thước phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” - bộ phim truyện nhựa đầu tiên về Hồ Chủ tịch. Đạo diễn Đặng Nhật Minh với “Hà Nội mùa đông năm 1946” cũng đã thể hiện chân thực, sinh động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quãng thời gian vô cùng căng thẳng của Hà Nội trước ngày toàn quốc kháng chiến.
Với “Nhìn ra biển cả”, đạo diễn Vũ Châu đã khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn những năm 1920 - 1921 khi Người là thầy giáo giảng dạy tại trường Dục Thanh. Ngoài ra, có thể kể đến một số bộ phim truyện đáng chú ý về Hồ Chủ tịch đó là “Vượt qua bến Thượng Hải”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong”, “Thầu Chín ở Xiêm”…
Cần thêm nhiều thước phim lan tỏa tư tưởng của Người
Có thể nói, làm phim về Bác Hồ là nguyện vọng của nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam. Việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trong điện ảnh là một nhu cầu tất yếu của ngành điện ảnh Việt Nam, của các nghệ sĩ sáng tác mong muốn tìm kiếm, sáng tạo, phản ánh hình tượng của Người bằng tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, làm phim truyện về Bác Hồ cũng là một thử thách không nhỏ đối với những người làm điện ảnh, bởi lẽ “Bác quá rộng lớn, đa chiều và phong phú nên việc hư cấu sẽ gặp nhiều sự cấm cản”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khẳng định: “Nguyện vọng làm phim truyện về Bác vẫn còn rất nung nấu nhất là từ khi Ban Bí thư mở cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nguyện vọng ấy được cổ vũ, tạo điều kiện tốt hơn”. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: “Các cơ quan quản lý Tuyên giáo, Văn hóa, Điện ảnh cần có sự nhìn nhận rộng mở hơn, bớt cứng nhắc… Các nhà làm phim, đơn vị sản xuất phát huy sự sáng tạo, quan tâm đến khán giả điện ảnh thế hệ mới để có thể viết kịch bản, làm phim về Bác Hồ chân thực, đúng đắn nhưng lại hấp dẫn, phù hợp với tâm lý người xem hiện đại”.
Đạo diễn Đường Minh Giang cho rằng để phát huy giá trị lịch sử tư tưởng di sản của Bác tới muôn đời sau, những nghệ sĩ điện ảnh cần xác định trách nhiệm trên vai, nghiên cứu và thể hiện, cảm hứng và thăng hoa thêm nhiều tác phẩm điện ảnh về Bác Hồ hơn nữa để thế hệ con cháu và bạn bè quốc tế biết và hiểu thêm về tư tưởng di sản của Người một cách chi tiết, đậm đà, sâu sắc và lan tỏa hơn. “Bên cạnh đó, để có được những tác phẩm điện ảnh mang tầm di sản, thì cũng phải có sự quan tâm và đồng hành của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị đi cùng với các nghệ sĩ điện ảnh, đầu tư cả tinh thần và vật chất để làm ra những tác phẩm điện ảnh về Bác Hồ kính yêu, vì chỉ có nghệ thuật điện ảnh mới hội tụ và lan tỏa nhanh nhất, cùng sức ảnh hưởng rộng rãi nhất” - đạo diễn Đường Minh Giang nhấn mạnh.