Biểu diễn nghệ thuật tại Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019. |
Khôi phục lễ nghi, tiếp nối truyền thống
Những ngày này, khu di sản Hoàng thành Thăng Long như khoác lên mình chiếc áo mới. Không gian điện Kính Thiên được trang hoàng lộng lẫy với cờ hoa, quạt, lọng theo nghi thức cổ truyền, gợi nhớ Hoàng cung xưa kia. Tại sân Đoan Môn, một quảng trường hoa sinh động lần đầu tiên được sắp đặt với chủ đề “Thăng Long đón xuân, muôn hoa hội tụ”, kết nối hài hòa cùng vườn chong chóng đa sắc màu rực rỡ. Nhà đón tiếp 19C Hoàng Diệu trở thành không gian Tết xưa với các hoạt động trình diễn nghệ thuật thư pháp và thú chơi câu đối Tết, mô hình nấu rượu hoa tiến vua, hoạt cảnh nghênh rồng ngày xuân… Một loạt sự kiện trải nghiệm nhân dịp năm mới cũng vừa được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội khởi động với lễ cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép; nghi lễ dâng hương khai xuân… Trong những ngày nghỉ Tết, du khách còn được trở về với không gian chợ Tết xưa qua những gian hàng xén, các trò vui dân gian, thú vui làm hoa Tết, ghép tranh vải, nặn tò he, thưởng thức múa rối…
Trước đó, du khách được trải nghiệm không khí ngày xuân linh thiêng tại không gian khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm) với rất nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện, như: Lễ dâng hương, cúng tế tổ nghề tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc); lễ cúng tất niên, giao thừa với mâm lễ bao gồm các món ăn ngày Tết đặc trưng của người Hà Nội… Tại đây, du khách còn được tham quan không gian đón Tết cổ truyền của người Hà Nội xưa, tìm hiểu về hoạt động gói bánh chưng, thú chơi tranh, hoa cây cảnh, thưởng trà ngày Tết của người Hà Nội. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tại nhiều điểm đến trong khu phố cổ như Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Ngôi nhà Di sản, Hội quán Phúc Kiến, đình Đồng Lạc… sẽ có các hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, tìm hiểu về nghề truyền thống và các “phố hàng” của Hà Nội…
Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một sự kiện văn hóa thường niên nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của dân tộc - Hội chữ xuân Kỷ Hợi - cũng đã khai mạc. Cùng với điểm nhấn là hoạt động trình diễn thư pháp và cho chữ, Hội chữ xuân Kỷ Hợi có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn khác như triển lãm thư pháp, lễ hội hoa đăng, lễ hội hoa chữ, tái hiện không gian trường thi, làng nghề truyền thống, trò chơi dân gian, chợ phiên… Kể từ khi mở cửa (ngày 29-1), không gian di sản này luôn thu hút đông đảo công chúng tới tham quan, trải nghiệm.
Đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí đầu xuân
Bên cạnh các sự kiện hướng về truyền thống, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi là thời điểm “nở rộ” các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm giàu đời sống tinh thần cho công chúng Thủ đô trong những ngày đầu năm mới. Ngay trong đêm giao thừa, cùng với màn bắn pháo hoa tại các địa điểm khác nhau của thành phố, tại tòa nhà Bưu điện Hà Nội sẽ diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tên “Tết nghĩa là hy vọng”. Bên cạnh đó là các chương trình chào đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Hoàn Kiếm); khu vực hồ Văn Quán (quận Hà Đông); trước Sân vận động quốc gia (Nam Từ Liêm); khu vực Vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ)...
Là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả truyền hình trong dịp Tết Nguyên đán, chương trình Táo quân 2019 đến với khán giả vào 20h ngày 30 Tết với sự góp mặt của các gương mặt nghệ sĩ quen thuộc, gồm Xuân Bắc, Tự Long, Chí Trung, Công Lý… “Tết nghĩa là hy vọng” cũng sẽ trở lại sóng truyền hình trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, hứa hẹn mang đến những cung bậc cảm xúc ấn tượng, đồng thời thắp lên ngọn lửa yêu thương, niềm tự hào, hy vọng trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019. Cùng với đó, từ ngày mùng 1 Tết đến ngày mùng 4 tháng Giêng, các kênh truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam sẽ liên tục gửi đến khán giả những chương trình văn hóa, giải trí bổ ích, tiêu biểu là: Gala Ngày trở về 2019 - Giong buồm đón gió; Gala cười 2019; Đón Tết cùng VTV - Khởi hành; 12 con giáp…
Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, một loạt phim mới sẽ được giới thiệu với khán giả. Đồng loạt ra rạp đúng ngày mùng 1 Tết (5-2) là các tác phẩm: Trạng Quỳnh, Cua lại vợ bầu, Đại chiến âm dương, Tân vua hài kịch… với sự góp mặt của các diễn viên “ăn khách”, như: Quốc Anh, Trấn Thành, Nhã Phương, Khả Như… Tiếp sau đó là các tác phẩm điện ảnh được chú ý khác, như Bí kíp luyện rồng: Vùng đất bí ẩn (phát hành ngày 6-2), Hai Phượng (phát hành ngày 22-2)…
Đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong dịp Tết, nhiều trung tâm thương mại, tổ hợp vui chơi, giải trí cũng lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm, hứa hẹn là điểm dừng chân hấp dẫn của công chúng Thủ đô và du khách trong, ngoài nước. Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng - The Phoenix Garden giới thiệu chương trình Lễ hội Ánh sáng - Ca nhạc chào xuân Kỷ Hợi (được tổ chức từ ngày 5 đến 20-2, tức từ mùng 1 Tết đến ngày 16 tháng Giêng). Công viên nước Hồ Tây có chương trình Chào xuân Kỷ Hợi 2019 với chủ đề “Hương sắc bốn mùa” (diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10-2) với những màn biểu diễn lân sư rồng, hát văn, hát quan họ, múa dân gian, ảo thuật đường phố…