Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt phê phán những biểu hiện duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, “tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết”. Tháng 10-1947, Người viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để giáo dục cán bộ, đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, trong đó nhấn mạnh: Nếu chỉ dựa vào ý chí, dựa vào tình cảm, không tôn trọng quy luật, bất chấp quy luật khách quan để hành động, thì đó là bệnh chủ quan. Bác nói: “Mỗi chứng bệnh gây ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả nó đều làm cho người ta ốm yếu. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”.
Có thể thấy trong lĩnh vực chính trị, người duy ý chí chính là người mắc bệnh chủ quan và sự tùy tiện, ngẫu hứng. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên không được chủ quan, chủ quan sẽ thất bại. Quán triệt tư tưởng của Người, do không chủ quan, khinh địch mà quân dân ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tiếc là, sau năm 1975, Đảng ta, do duy ý chí nên đã phạm phải một số sai lầm, khuyết điểm trong chỉ đạo, làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đến Đại hội VI (năm 1986) Đảng đã nhận rõ khuyết điểm, đề ra đường lối đổi mới theo đúng quy luật khách quan. Sau hơn 30 năm, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đại hội XII của Đảng (năm 2016) tổng kết 30 năm đổi mới đã nhấn mạnh sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới không tách rời với việc “chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội”.
Tuy nhiên, trong giai đoạn cách mạng mới, bên cạnh những thành tựu đạt được trên mọi mặt của đời sống xã hội, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Đặc biệt, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã xuất hiện ở một số cán bộ, đảng viên, mà trong đó suy thoái về chính trị tư tưởng là rất đáng báo động. Căn bệnh “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác” đã và đang cản trở công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm phai nhạt lý tưởng, ý chí phấn đấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Các nhà nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, bệnh “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình” không chỉ ở chỗ ít ghi nhận, tiếp thu ý kiến người khác, tự cho rằng ta biết rồi..., mà còn thể hiện ở thái độ bàng quan, vô cảm, thiếu thân thiện, luôn áp đặt ý kiến cá nhân mình, luôn phê bình, bác bỏ ý kiến người khác, nhất là những ý kiến phản biện. Mặt xấu hơn của căn bệnh này là dẫn đến tình trạng quan liêu, vô cảm trước những tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng của cấp dưới và của nhân dân. Từ đó, dẫn đến xa dân, trở thành những ông “quan cách mạng”.
Thực tiễn công tác cũng chỉ ra rằng, người giữ chức vụ càng cao, vị trí càng quan trọng nếu mắc căn bệnh trên thì ảnh hưởng càng lớn, hậu quả càng nặng nề, gây nên những hệ lụy khôn lường. Vì thế, “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác” nếu không được phát hiện, sửa chữa kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn xã hội. Chúng ta không chấp nhận bất kỳ một biểu hiện nào của chứng bệnh này nhưng nó vẫn đã và đang xuất hiện, tồn tại trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thành quả của cách mạng và uy tín của Đảng, Nhà nước ta. Kịp thời ngăn chặn căn bệnh này, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Quan trọng trước hết là việc học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Cách thiết thực nhất để nêu cao tinh thần phòng, chống bệnh “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình” là mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện cho mình phương pháp, tác phong công tác khoa học, thiết thực và hiệu quả, qua đó từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, đặc biệt là bệnh “không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”.
Đối với những người lãnh đạo phải rèn luyện tư duy khoa học, độc lập và sáng tạo, nhất là quyết định vấn đề cho đúng. Theo đó, cần khắc phục triệt để lối tư duy chủ quan, duy ý chí, áp đặt khi đề ra đường lối, chính sách và cả những chủ trương, biện pháp cụ thể. Không lấy ý muốn chủ quan của mình làm điểm xuất phát của đường lối, chính sách, dù đó là những mong muốn thành tâm. Phải nắm vững quy luật khách quan, nâng cao năng lực vận dụng sáng tạo quy luật vào thực tiễn của đất nước, của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực hoạt động. Phải nắm bắt thực tiễn vốn rất phong phú, sinh động, am hiểu thực tiễn một cách cặn kẽ, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “thấu hiểu, thì mới có thể vận dụng thành công lý luận vào thực tiễn đời sống và công việc”.
Chỉ có như vậy mới có thể đẩy lùi được bệnh “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác” trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến các bộ, ngành và địa phương.
Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, phê bình là để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phải tiến hành như rửa mặt hằng ngày. Căn bệnh nêu trên rất dễ vấp phải trong công việc hằng ngày, nếu tăng cường phê bình và tự phê bình trên tinh thần đồng chí, giúp nhau tiến bộ sẽ có ý nghĩa nhất định cho phòng ngừa và sửa chữa.
Trong mối quan hệ giữa tự phê bình và phê bình, nếu đạt được tự phê bình thật sự thì đó là người đạt được trình độ giác ngộ cao, luôn soi xét các sai lầm và tự điều chỉnh, sửa chữa, nhất là đứng từ giác độ đạo đức cách mạng. Còn phê bình của đồng chí giúp nhìn nhận các sai lầm mà tự bản thân mỗi người không thể nhận thức được. Tất nhiên, trong phê bình phải chú ý là phê bình việc chứ không phải phê bình người, phê bình với tinh thần xây dựng chứ không “bới lông tìm vết” hay lợi dụng phê bình để hạ bệ lẫn nhau.
Cuối cùng, cán bộ, đảng viên phải đề cao ý thức dân chủ, phát huy tốt dân chủ. Theo đó, các cấp ủy Đảng cần đưa việc phòng, chống căn bệnh này vào nội dung sinh hoạt Đảng, nhằm làm cho Đảng thật sự trong sạch vững mạnh. Hơn nữa, phát huy dân chủ là phương pháp tốt nhất để thực hiện các công việc của chi bộ hoặc công việc chuyên môn nhanh nhất, hiệu quả nhất, vì sẽ khơi dậy, phát huy thế mạnh, năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm của tất cả cán bộ, đảng viên trong chi bộ cùng tham gia giải quyết công việc một cách thấu đáo, toàn diện, sát thực tế; mỗi người đều có chính kiến, quan điểm riêng, lý lẽ về một vấn đề cụ thể nhưng thông qua trao đổi, thảo luận, phản biện thì vấn đề đó sẽ được phân tích, mổ xẻ, làm sáng rõ để thống nhất tìm phương án tốt nhất.