Quy hoạch không gian ngầm: Đòn bẩy phát triển đô thị theo chiều sâu

kinhtedothi| 28/07/2019 06:56

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa diễn ra, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về phát triển quản lý giao thông vận tải, trong đó có nội dung khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp trên địa bàn 4 quận lõi trung tâm đầu tư xây bãi đỗ xe ngầm, cao tầng.

Điều này cho thấy việc đẩy nhanh công tác quy hoạch không gian ngầm đã trở nên cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.

Không còn đất cho bãi đỗ xe
Đi qua nhiều con phố tại quận Hoàn Kiếm như Tông Đản, Cổ Tân, Lý Đạo Thành… không khó để thấy hàng dài xe ô tô luôn dừng, đỗ sát nút giao, chiếm dụng nhà chờ xe buýt, làn đường dành cho người đi bộ. Tình trạng này cũng đang diễn ra trên nhiều tuyến phố của quận Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Theo các chuyên gia giao thông đô thị, đây là hệ quả của việc thiếu bãi đỗ xe trầm trọng khi lượng xe cá nhân tăng nhanh nhưng khả năng cung ứng chỗ đỗ xe rất ít. Dọc tuyến phố Tràng Thi đến hết phố Điện Biên Phủ dài gần 5km, mặc dù tập trung hàng loạt bệnh viện, cơ quan hành chính, trụ sở công ty, cửa hàng kinh doanh, tuy nhiên không hề có bất cứ điểm trông giữ xe nào. Tương tự, tuyến phố Bà Triệu từ sát hồ Hoàn Kiếm cho đến gần cầu vượt Trần Khát Chân gần 3km cũng không hề có điểm trông giữ xe được cấp phép...
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, theo quy hoạch bến bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP, 4 quận trung tâm không bố trí được quỹ đất để đầu tư bến bãi đỗ xe mà chủ yếu dùng bến bãi tạm thời trên hè đường phố.
Trong khi đó, theo Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các bến bãi đỗ xe trên vỉa hè chỉ được xem xét đến năm 2023. Với con số hơn 550.000 ô tô và khoảng 6 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên lưu thông trên địa bàn Hà Nội, dự báo sau 10 năm nữa, các bãi đỗ xe trong khu đô thị trung tâm sẽ còn “nóng” hơn nữa.
Bên cạnh đó, thường một đô thị phải có 3 - 4% diện tích đất dành cho giao thông tĩnh, tuy nhiên hiện nay Hà Nội mới chỉ có 0,3% diện tích đất (tương đương gần 30ha) cho bãi đỗ xe. Theo tính toán đến năm 2030, trong nội đô Hà Nội sẽ cần đến 1.400ha đất để phát triển giao thông tĩnh, đây thực sự là một thách thức rất lớn khi quỹ đất hạn hẹp. Do vậy, việc dành không gian công cộng để kêu gọi đầu tư các không gian ngầm phục vụ cho thương mại, trong đó có bãi đỗ xe là rất cần thiết.
Cần đồng bộ quy hoạch
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, ưu tiên phát triển bãi đỗ xe ngầm là một xu thế rất cần cho Hà Nội hiện nay. Vấn đề này cũng đã được định hướng trong các quy hoạch chung.
Tuy nhiên, khi thực hiện cần phải xem xét đồng bộ các yếu tố của quy hoạch. Đó là phải kết nối giao thông, chỉ tiêu về không gian xanh, dân số, đặc biệt là giải pháp thiết kế, áp dụng khoa học kỹ thuật để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 đã đặt ra cho Hà Nội là cần ưu tiên xây dựng các bãi đỗ xe ngầm. Tuy nhiên đã 3 năm nay, ưu tiên này vẫn chưa được thể chế hóa.
Ngoài các tầng hầm để xe tại các trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng, đến thời điểm hiện tại Hà Nội chưa có bãi đỗ xe ngầm nào cho xe công cộng. Trong khi đó, dự tính xây dựng bãi đỗ xe ngầm đã được đặt ra từ nhiều năm trước khi một số dự án đề xuất bãi đỗ xe ngầm như ở vườn hoa Hàng Đậu, vườn hoa Lý Thái Tổ, quảng trường Ngân hàng Nhà nước, công viên Thống Nhất… nhưng các dự án này đều không được thực hiện.
Nguyên nhân do bất cập về lợi ích giữa chủ đầu tư và Nhà nước, quan trọng hơn, các dự án này đã làm sai lệch các chỉ tiêu về quy hoạch, dành nhiều diện tích cho thương mại, không đảm bảo được không gian xanh bên trên mặt đất, thiếu đồng bộ, kết nối với hạ tầng giao thông xung quanh…
Để giải quyết bài toán giao thông tĩnh, TP Hà Nội tiếp tục kêu gọi đầu tư 7 bãi đỗ xe ngầm, song đến nay đều chưa thể triển khai và mới chỉ dừng ở bước tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, xây dựng cơ chế quản lý... Đó là các dự án bãi đỗ xe ngầm tại Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát Lớn, quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Công viên Tuổi trẻ…
Nhằm thu hút, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, HĐND TP vừa mới thông qua Nghị quyết đưa ra cơ chế khuyến khích đầu tư, xây dựng khai thác bến xe, bãi đỗ xe. Trong đó, các bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng để khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm.
Khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp trên địa bàn 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa đầu tư bãi đỗ xe ngầm, cao tầng cho ô tô và phương tiện cơ giới khác phục vụ nhu cầu công cộng.
Bàn về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng khung ưu tiên đã tạo ra sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhưng đều phải tính toán kỹ là địa điểm của từng dự án bãi xe ngầm. Nếu không sẽ phá vỡ cấu trúc quy hoạch của khu vực hiện hữu khi có thêm diện tích cho thương mại, dịch vụ dẫn đến tăng áp lực giao thông.
“Khu vực hồ Hoàn Kiếm hiện đã có Trung tâm thương mại Tràng Tiền, có một số khách sạn, nếu xây bãi xe ngầm khu vực Nhà hát Lớn sẽ có thêm khu vực thương mại dịch vụ tại đây. Điều này sẽ tạo thêm lượng xe cộ ra vào khu vực này, giao thông các tuyến đường xung quanh sẽ chịu thêm áp lực” - ông Đào Ngọc Nghiêm dẫn ví dụ.
Đẩy nhanh quy hoạch không gian ngầm
Thực tế từ năm 2015, Hà Nội đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án quy hoạch chung này thuộc địa giới hành chính các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.
Đầu năm 2016, UBND TP Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch – Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch cho đồ án này. Cùng thời điểm, TP đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về không gian ngầm cũng như khảo sát điều tra về hệ thống công trình ngầm hiện trạng. Tuy nhiên, sau 3 năm nghiên cứu thẩm định, lấy ý kiến các chuyên gia nhưng vẫn chưa duyệt được quy hoạch không gian ngầm chung cho toàn TP.
Với những yêu cầu cấp bách hiện nay, nhất là về giao thông, rất cần có bước tiến mới về quy hoạch không gian ngầm và kèm theo đó là những chính sách hỗ trợ phát triển, mở rộng. Các chuyên gia quy hoạch đô thị đều cho rằng, nhằm tránh tình trạng xây dựng để phục vụ yêu cầu gấp rút trước mắt dễ dẫn đến chắp vá, không đồng bộ, gây khó khăn cho các giai đoạn phát triển sau này, Hà Nội cần phải nhanh chóng hoàn thiện phương án quy hoạch không gian ngầm theo các giai đoạn làm cơ sở để quản lý và khai thác các lớp không gian ngầm khác nhau.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch không gian ngầm: Đòn bẩy phát triển đô thị theo chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO