Quận Hai Bà Trưng phát động phong trào “Bình dân học vụ số ” năm 2025
Sáng ngày 21/5, UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức Hội nghị phát động phong trào “Bình dân học vụ số ” năm 2025 trên địa bàn quận. Đây là một phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong công cuộc xây dựng xã hội học tập và phát triển nền tảng tri thức số của quận Hai Bà Trưng tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số cùng Thủ đô và đất nước.
Nhiệm vụ của toàn xã hội
80 năm trước, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã mở ra trang sử mới đối với lịch sử dân tộc - đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được làm chủ. Tuy nhiên, tại bối cảnh đó, nước ta có hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết, "giặc dốt" trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm cùng với "giặc đói" và "giặc ngoại xâm". Vì vậy, Đảng và Chính phủ, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung lãnh đạo thực hiện xây dựng nền giáo dục mới, trong đó tập trung xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí bằng việc phát động Phong trào Bình dân học vụ, với phương châm "Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ". Và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa và phát huy những thành quả từ phong trào "Bình dân học vụ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18/11/2024, tại Hội nghị “Gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11”, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đã yêu cầu: Phát động phong trào "Bình dân học vụ số" trên cả nước - với sứ mệnh lịch sử mới: Phổ cập kỹ năng số, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả. Với phương châm "Kiến thức là nền tảng, công nghệ là công cụ để tiến xa", phong trào chú trọng nâng cao nhận thức, khuyến khích từng cá nhân tự học, chủ động tham gia vào không gian số, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước…”
.jpg)
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, hội nghị nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Kế hoạch số 05-KH/BCĐ57 ngày 22/4/2025 của Ban chỉ đạo Thành ủy về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Kế hoạch 249-KH/QU ngày 29/4/2025 của Quận ủy Hai Bà Trưng về kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn quận.
.jpg)
.jpg)
“Với ý nghĩa nhân văn của phong trào và tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thay mặt UBND quận Hai Bà Trưng, tôi tuyên bố phát động phong trào “Bình dân học vụ số” năm 2025 trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng”,
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh
Kết quả nổi bật
Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin quận Hai Bà Trưng cho biết, để triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn, quận đã khẩn trương thành lập ngay các Ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số, Đề án 06 quận/phường do đồng chí Chủ tịch UBND quận làm trưởng Ban chỉ đạo, cùng các thành viên là trưởng các đơn vị thuộc quận/phường. Trong đó, Ban Chỉ đạo quận giao nhiệm vụ cho Phòng Văn hóa và Thông tin (hiện là phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin) là đơn vị thường trực tham mưu về công tác chuyển đổi số của quận. Hằng tháng, các ban Chỉ đạo quận/phường đều triển khai họp kiểm đếm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được phân công cụ thể tại các văn bản chỉ đạo theo chức năng của từng đơn vị.
.jpg)
Nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp lãnh đạo quận và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị quận, quận Hai Bà Trưng đã triển khai và đạt những kết quả nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh trên địa bàn quận trên 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số, Phát triển kinh tế số và Phát triển xã hội số.
“Năm 2024 là năm đầu tiên Thành phố đánh giá kết quả thực hiện Bộ Chỉ số chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước Thành phố - DTI. Trên cơ sở những kết quả nổi bật quận đã đạt được với kết quả thẩm định chỉ số DTI đạt trên 90%, Thành phố đã đánh giá và xếp hạng quận Hai Bà Trưng thuộc Nhóm 1 - Chuyển đổi số tiên phong. Đây là nhóm gồm 10 đơn vị thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số). Tiên phong, chủ động đề xuất triển khai thí điểm và có hiệu quả các mô hình chuyển đổi số điển hình nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, minh bạch hóa, cải thiện trải nghiệm của người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết thêm.
Để triển khai hiệu quả phong trào, Phó Chủ tịch quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền đề nghị các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động để mỗi CBCCVC, người lao động, người dân nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số, tầm quan trọng của việc làm chủ công nghệ số, sẵn sàng tham gia học tập và ứng dụng công nghệ trong thực thi nhiệm vụ, trong đời sống.
2. Cập nhật, nâng cao tri thức, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng ứng dụng AI cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; xây dựng các khóa học, tập huấn lồng ghép trong chương trình bồi dưỡng quản lý Nhà nước theo quy định cho CBCCVC, người lao động đơn vị mình nhằm đáp ứng yêu cầu về công nghệ số theo ngành, lĩnh vực.
3. Các trường Đại học, cao đẳng, THPT, THCS, Tiểu học, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tập trung phát triển các mô hình giáo dục mới dựa trên công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, tạo dựng môi trường để học sinh, sinh viên tiếp cận, hình thành kỹ năng số và hưởng lợi từ thành quả chuyển đổi số của ngành. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong hoạt động tình nguyện tham gia phổ cập kỹ năng số cho người dân, trước hết là người thân trong gia đình, những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
4. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chủ động tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng số để công nhân và người lao động, nắm vững xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.
5. UBND các phường định kỳ hằng tuần, tổ chức các buổi học cộng đồng cho người dân trên địa bàn phường với tinh thần "đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người". Tổ dân phố phối hợp với Tổ chuyển đổi số cộng đồng, đoàn thanh niên, doanh nghiệp công nghệ số, hội phụ nữ và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cử hội viên có hiểu biết công nghệ hướng dẫn người dân, nhất là người cao tuổi, lao động phổ thông sử dụng các nền tảng, dịch vụ số, sử dụng nền tảng “Bình dân học vụ số” tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn/.
6. Triển khai các mô hình, phong trào lan tỏa kỹ năng số cho cộng đồng theo chỉ đạo, hướng dẫn của ngành, lĩnh vực cụ thể như các mô hình: Mạng lưới “Đại sứ số”, Phong trào “Gia đình số”, Mô hình “Mỗi công dân - Một danh tính số, Mô hình “Tổ chuyển đổi số cộng đồng”, Chiến dịch “Thanh niên chung tay phổ cập kỹ năng số”.
7. Triển khai “Ngày hội toàn dân học tập số” vào ngày 10/10 hàng năm (Ngày Chuyển đổi số quốc gia): với các hoạt động chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực đảm nhiệm. Kết hợp các hoạt động trải nghiệm và hướng dẫn sử dụng các nền tảng, dịch vụ số, lớp học số cho cộng đồng./.