Phố Nhà Chung dài 300m, rộng 6m.
Đất thôn Báo Thiên Tự, tổng Tiền Túc, (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.
Thời Pháp thuộc gọi là phố Hội Thừa Sai hoặc phố Hội Truyền Giáo (rue de la Mission) có từ trước năm 1919. Đến năm 1919 đổi thành phố Lambơlô (rue Lamblot), năm 1923 lấy lại tên Mission, năm 1945 đổi thành phố Lý Quốc Sư, năm 1949 đổi thành phố Nhà Chung. Những lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
Nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.
Nhà Chung là tên gọi tổ chức kinh doanh của một xứ đạo Công giáo chủ yếu là quản lý những tài sản của giáo hội như ruộng đất, nhà cửa, nhà in, xưởng thủ công...
Năm 1873, quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ nhất. Giám mục kiêm chỉ huy gián điệp Puy-gi-ni-ê (Puginier) đã chiếm một khu đất ở đầu thôn này, dựng một nhà thờ bằng gỗ, danh nghĩa là để làm nơi cầu nguyện cho lính Pháp và giáp dân quanh vùng nhưng thực chất là một nơi đoàn lính án ngữ con đường liên lạc giữa khi Nhượng địa (chỗ đằng sau Nhà hát lớn ngày nay) là đầu não của bộ máy chỉ huy xâm lược và thành cổ Hà Nội là nơi quân Pháp mới chiếm được. Từ đấy, giáo hội lấn dần đất đai và tới cuối thế kỷ XIX thì toàn bộ đất thôn Báo Thiên Tự trở thành tài sản chung của giáo hội, do đó mà thành tên là Nhà Chung. Vào khoảng 9 giờ tối ngày 12/5/1883 nghĩa binh (gồm những trai tráng các làng thuộc huyện Thọ Xương) phối hợp với quân của Lưu Vĩnh Phúc đã tấn công tiêu diệt nhà thờ kiêm đồn lính này. Bọn địch sông sót phải chạy vào trú ẩn trong chùa Bà Đá. Năm sau, tức 1884, thực dân Pháp đã bắt quan lại Hà Nội dâng cho chúng khu chùa Báo Thiên để xây Nhà thờ lớn.