Phố Nguyễn Thiện Thuật dài 216m, rộng 6m.
Thời Pháp thuộc, năm 1928 gọi tên là phố Lơ-pa-giơ (rue Lepage). Năm 1945 sáp nhập với phố Lataxtơ (rue Lataste) thành phố Tán Thuật, năm 1949 đổi tên thành phố Bà Triệu. Từ năm 1951 đổi thành phố Nguyễn Thiện Thuật cho đến nay.
Nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.
Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926) quê làng Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Ông đỗ cử nhân năm 1871, từng giữ chức Tán dương Quân vụ nên thường gọi là Tán Thuật. Năm 1883, sau khi triều đình Huế ký hiệp ước đầu hàng Pháp, ông được lệnh gọi về Huế, nhưng ông không theo, từ bỏ quan chức, nuôi ý khởi nghĩa. Năm 1885 kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết đưa ra Quảng Bình, xuống chiếu Cần vương. Nguyễn Thiện Thuật hưởng ứng, chọn khu Bãi Sậy làm căn cứ. Đây là một cánh đồng lớn, lau sậy mọc um tùm, nằm giữa các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên). Tán Thuật đã áp dụng chiến thuật du kích, thường đánh úp đồn trại giặc và chặn đánh các đoàn xe giặc trên đường Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Hưng Yên, tiêu hao khá nhiều lực lượng của địch. Tới năm 1888, thực dân Pháp đem quân đàn áp một cách điên cuồng. Thấy tình thế khó khăn, Tán Thuật trao quyền chỉ huy cho em là Nguyễn Thiện Kế và tướng là Đốc Tít rồi sang Trung Quốc tìm Tôn Thất Thuyết bàn cách tăng viện. Nhưng việc không thành. Sau đố ông bị bệnh, và mất ở thành phố Nam Định (Quảng Tây).