Phố Nguyễn Khoái dài 1.060m, rộng 10,5m.
Đây nguyên là đất phường Yên Xá, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, phường này hợp nhất với thôn Lương Xá thành thôn Lương Yên, tổng Thanh Nhàn. Riêng thân đường Nguyễn Khoái chính là một đoạn đê sông Hồng, vốn là đoạn cuối cùng của bức tường phía đông của tòa thành đất vòng giữa bao quanh kinh thành Thăng Long xưa.
Thời Pháp thuộc lúc đầu gọi là Đê Mới (Digue Nouvelle), năm 1949 đổi thành đường Lương Yên, năm 1951 đổi thành đường Nguyễn Khoái. Sau này còn có tên gọi là đường bờ sông Râyna (Quai Rheinart), năm 1951 đổi tên thành đường Nguyễn Khoái. Tên dân gian gọi là phố Lò Sát Sinh, sau hòa bình gọi tên như ngày nay.
Nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.
Nguyễn Khoái là một danh tướng đời Trần, có nhiều đóng góp trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên 1285 và 1288.
Lần đầu, vào tháng 4 năm Ất Dậu (1285) ông cùng Chiêu Thành Vương (không rõ tên) và Trần Quốc Toản đón đánh quân Nguyên ở Tât Kết (bến ở hữu ngạn sông Hồng, thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội) làm chúng không thể tiến đến Thăng Long.
Lần thứ hai, vào sáng ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) theo lệnh của Trần Hưng Đạo, ông mai phục ở cửa sông Bạch Đằng, chặn đường rút lui của giặc, bắt sống được nhiều quân tướng nhà Nguyên, trong đó có “danh tướng” Ô Mã Nhi.
Khi xét định công trạng, ông được phong Hầu, và ban ấp gọi là Khoái Lộ (nay là khu vực huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng yên).