Phố Nguyễn Huy Tự dài 280m, rộng 6m.
Đây nguyên là đất phường Yên Xá, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn này nhập vào thôn Lương Xá, thành thông Lương Yên, tổng Thanh Nhàn. Thực ra gốc phường Yên Xá vốn là trung tâm thành Thăng Long. Năm 1010, Lý Công Uẩn xây hoàng thành ở trên đất phường này nên cho dời phường ra bờ sông Hồng. Sau đổi gọi là Cơ Xá. Phường Cơ Xá rất rộng choán một dải bờ sông từ Yên Phụ xuống đến Vĩnh Tuy. Về sau, phường này chia ra làm nhiều phường thôn nhỏ, chỗ phố Nguyễn Huy Tự gọi là Cơ Xá Nam hoặc Yên Xá. Nay số nhà 4 phố này là đền thờ Lý Thường Kiệt, vốn cũng là người phường Cơ Xá (xem thêm mục Lý Thường Kiệt).
Thời Pháp thuộc, đây là phố Công-xtăng Ma-ti (rue Constant Mathis). Sau cách mạng đổi gọi là phố Nguyễn Thị Kim. Thời tạm chiếm gọi là phố Nguyễn Lai Thạch. Tháng 6/1964, đã đổi lại tên như hiện nay.
Nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.
Nguyễn Huy Tự (1743-1790) người làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện Sơn La, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 17 tuổi, ông đậu hương cống, được bổ giúp cha là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh trong việc dạy thế tử Trịnh Sâm. Sau ông làm quan ở các tỉnh ngoài, giữ chức Đốc đồng trấn Hưng Hóa, rồi trấn Sơn Tây.
Năm 1786 ở Thăng Long có loạn kiêu binh, Huy Tự lấy cớ xin về chăm sóc cha già rồi ở luôn tại quê. Năm Quang Trung thứ 3 (1790) theo lời tiên cử của Ngô Thì Nhậm, ông được triệu vào Phú Xuân giao cho chức Thị lang. Nhưng ít tháng sau, trong chuyến về thăm nhà, ông mắc bệnh và qua đời, mới 48 tuổi.
Ông là tác giả tập truyện thơ “Hoa tiên” là một tác phẩm văn học cổ điện nổi tiếng của nước ta.