Phố Nguyễn Bỉnh Khiêm dài 400m, rộng 8m.
Đây nguyên là đất thôn Thiền Quang và Thể Giao, tổng Tiền Nghiêm, sau đổi là tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương cũ. Chùa thôn Thiền Quang nay vẫn còn ở bên cạnh phố Trần Bình Trọng, số nhà 33. Còn đình Thể Giao thì ở số nhà 3 phố Thể Giao (xem mục Thiền Quang và Tuệ Tĩnh).
Đây là một phố mới mở từ những năm ba mươi. Trước đó là hồ ao và bãi rác. Hiện nay ở giữa phố đã nổi lên một cơ sở nghiên cứu Đông y lớn nhất nước ta: Viện Đông y Trung ương.
Thời Pháp thuộc, đây là phố Rơ-nê Đô-ren (rue René Daurelle). Năm 1945 đổi tên thành phố Trần Phú, năm 1949 đổi thành phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
Nay thuộc phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) nhà tư tưởng, nhà thơ lớn của thế kỷ XVI, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hà Phòng.
Từ nhỏ ông đã nối tiếng là học giỏi, nhưng gặp lúc các tập đoàn phong kiến tranh giành nhau quyền lợi gây ra loạn lạc nên ông không chịu đi thi. Mãi đến năm 45 tuổi, để vui lòng mẹ già, ông mới đi thi, đỗ đầu cả ba khoa, giành học vị trạng nguyên. Ông làm quan với nhà Mạc trong 8 năm, giữ chức lại bộ Tả thị lang, đến Thượng thư bộ Lại, tước Trình Tuyên hầu. Nhân dâng sớ xin trị tội 18 tên lộng thần mà vua mạc Đăng Doanh không nghe, ông liền từ chức. Tuy vậy, khi mất ông được phong là Trình Quốc công cho nên nhân dân quen gọi là Trạng Trình.
Ông dạy nhiều học trò, có nhiều người danh tiếng như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ... Ông còn để lại khoảng một nghìn bài thơ chữ Hán trong Bạch Vân am thi tập và khoảng trên một trăm bài thơ nôm trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập. Thơ ông vừa ca ngợi sự trong sạch, thanh bạch của con người chân chính vừa tố cáo sự thối nát của xã hội phong kiến đương thời.