Phố Mã Mây dài 286m, rộng 6m.
Tên phố Mã Mây có từ trước khi người Pháp chiếm Hà Nội. Khoảng trước năm 1931 Pháp đổi tên phố này thành phố Quân Cờ Đen (rue des Pavillons noirs) vì trong thời gian Pháp rục rịch chiếm Hà Nội thì có một bộ phận quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đóng ở đây và ở phố Hàng Buồm để phối hợp với quân ta chống Pháp. Đến năm 1931 được đổi tên thành phố Đào Duy Từ. Năm 1945 lấy lại tên phố Mã Mây. Những lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên phố này.
Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
Phố này thời xưa gồm hai phố: phố Hàng Mây là đoạn giáp Hàng Buồm, có những cửa hàng bán song, mây và phố Hàng mã là đoạn giáp Hàng Bạc, có những cửa hàng bán đồ mã như nhà táng, hình nhân, mũ ông công, tiền giấy... (Phố Hàng Mã này có trước phố Hàng Mã ở gần chợ Đồng Xuân, nên sau khi đã có hai Hàng Mã thì người ta gọi phố Hàng Mã gần Hàng Bạc là phố “Hàng Mã dưới” để phân biệt với phố “Hàng Mã trên” chuyên làm bán những hoa giấy, đèn lồng...)
Đoạn giữa phố chỗ số nhà 64 là đền Hương Tượng, tức là đền của giáp Hương Tượng thuộc phường Hà Khẩu cũ, thời Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) người từng giữ chức Kinh sư đại doãn, là chức quan đứng đầu Kinh thành Thăng Long đời Trần. Theo bia Hương Tượng giáp trùng tu dựng năm 1825 thì đền này cũng được lập ngay từ đời Trần. Nhà số 87 Mã Mây hiện nay đã được trùng tu là di sản kiến trúc phố cổ Hà Nội.