Phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

22/09/2017 10:14

Từ cuối phố Phan Chu Trinh (chỗ ngã năm Lò Đúc - Hàm Long) đến đường Trần Khát Chân nối với phố Kim Ngưu.


Phố Lò Đúc dài 1.160m, rộng 10m.

Phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Phố này chạy qua nhiều thôn xóm cũ, tính từ bắc xuống nam là các thôn: Hữu Vọng, Hương Thái (còn đọc là Thể), Đức Bác, Yên Hội và Thọ Lão tất cả đều thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. So vào bản đồ Hà Nội 1831 thì đoạn đầu phố, chỗ tiếp giáp ngã năm, còn là một phần của hồ Hữu Vọng.

Tới giữa thế kỷ XIX, ba thôn trên hợp lại (cùng một vài thôn khác) thành thôn Hương Viên, còn hai thôn dưới cùng một số thôn khác hợp lại thành thôn Cảm Hội. Lúc này tổng Hậu Nghiêm cũng đã đổi ra là tổng Thanh Nhàn. (Trong số tám tổng của huyện Thọ Xương khi đó chỉ tổng Hậu Nghiêm là có sự sáp nhập các thôn một cách mạnh nhất: từ 19 thôn rút lại có 8 thôn).

Thời Pháp thuộc, đoạn đầu là phố Lò Đúc, đoạn giữa phố gọi là Cây Đa Nhà Bò, đoạn sau lúc mới mở ngõ gọi là đường Lò Lợn vì trên đoạn đường này có một Abattoir (lò mổ lợn của thành phố Hà Nội xây dựng năm 1889). Sau gọi chung là đại lộ Ác-măng Rút-xô (boulevard Armand Rousseau). Sau cách mạng đã đổi tên là phố Lò Đúc.

Nay thuộc các phường Phạm Đình Hổ, Đống Mác, quận Hai Bà Trưng.

Vào cuối đời Lê (thế kỷ XVIII), ở làng Đức Bác có nhiều người dân bên xứ Bắc tới đây mới mở lò đúc đồng do đó thành tên. Dấu vết của phường thợ đúc này là chùa Tổ Ong, nay ở trong ngõ 79 phố Lò Đúc. Chùa này tên chữa Hán là “Linh Ứng tự” do dân phường đúc lập ra chủ yếu thờ Nguyễn Minh Không, ông tổ nghề đúc đồng. Trong chùa có bia dựng năm Tự Đức thứ 10 (năm 1857), nội dung cho biết là chùa có từ đời Lê (phường đúc này sau kéo lên nhập với phường đúc Ngũ Xã, ở đó đã có chùa Thần Quang thờ tổ nghề nên chùa Linh Ứng vẫn được để lại ở phố Lò Đúc).

Cuối phố Lò Đúc, chỗ gặp phố Lương Yên, ngày xưa là một cửa ô. Cửa ô đó mở đúng góc đông nam của tòa thành đất vòng giữa bao quanh khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa và có nhiều tên gọi khác nhau. Xem bản đồ Hà Nội 1831, cửa ô này có tên là Thanh Lãng. Tới bản đồ 1886 thì đổi thành cửa ô Lãng Yên (Thanh Lãng và Lãng Yên chỉ là hai tên gọi khác nhau của một thôn ở ngay ngoài cửa ô - Xem mục Yên Lãng).

Nhưng vào thời Lê mạt (thế kỷ XVIII) thì cửa ô này lại có tên là cửa ô Ông Mạc. Chứng cứ là cuối năm 1782, khi đi từ nội thành Thăng Long về bến Thanh Trì để sang bên Bát Tràng. Lãn Ông đã đi qua cửa ô này và có ghi trong Thượng kinh ký sự: “Ngày mùng 10 tháng 9, từ sáng tinh mơ còn trăng, tôi đi ra cửa ô Ông Mạc; cửa thành chưa mở, lính canh thấy có thẻ Hành quân phù mới mở cửa cho đi..”.

Như vậy là cửa ô Ông Mạc này thời đó đã có lính canh nghiêm ngặt (như ở các cửa ô khác).

Đi ngược dòng thời gian lên chút nữa, lại thấy địa danh Ông Mạc xuất hiện vào năm 1600: “Tháng Mười một năm Canh Tý (1600) làm cầu phao qua sông Cái ở bến Ông Mạc” (Toàn thư).

Vậy “Ông Mạc” có nguồn gốc như thế nào? Đó là tên một dải đất thuộc phường Yên (An) Xá (thời Lê, phường này cũng còn rất rộng, bao gồm các làng Lương Yên, Lãng Yên và các phố Lê Quý Đôn, Lương Yên ngày nay). Bia chùa Thanh Nhàn dựng năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) có ghi: “Ở kinh đô, tại phường Yên Xá, cánh đồng Ông Mạc có một gò đất từ xưa vẫn coi là một ngọn núi...”. Lại theo Phạm Đình Hổ ghi chép trong sách Quần  thư tham khảo thì ở đây có dinh cơ của Mạc Đĩnh Chi (đỗ trạng nguyên năm 1304): “Ông - tức Mạc Đĩnh Chi - làm quan ở triều, nhà riêng ở Nam Xá (có lẽ là Cơ Xá Nam - T.G) thành Đại La, tục gọi là Dinh Ông Mạc”.

Như vậy thì cửa ô ở cuối phố Lò Đúc này từ thế kỷ XVIII trở về trước có tên là ô Ông Mạc. Từ thế kỷ XIX cho tới gần đây có tên là ô Thanh Lãng, rồi ô Lãng Yên.

Ngoài ra, lại còn một cái tên nôm khác là ô Đống Mác. Phải chăng Đống Mác chính là từ Ông Mạc đọc chệch ra? Hay là do truyền thuyết sau: Hồi Tây Sơn ra Bắc, có một cánh quân tiến đánh cửa ô này. Lính nhà Trịnh thua, bỏ chạy, vứt giáo mác lại thành từng đống, do đó mà thành tên.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
  • Hà Nội điều chỉnh lộ trình và tần suất hàng loạt các tuyến xe buýt từ 1/4
    Căn cứ vào quyết định của Sở Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã điều chỉnh lộ trình luồng tuyến, tần suất hoạt động, các chỉ tiêu dịch vụ đối với 44 tuyến buýt của Tổng công ty từ ngày hôm nay (1/4).
Đừng bỏ lỡ
Phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO