Phố Hoàng Sâm dài 500m, rộng 7m.
Từ đường Hoàng Quốc Việt qua Viện Kỹ thuật Quân sự đến ngã ba Công ty Điện tử Sao Mai (số 27).
Đất xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm trước đây.
Nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Trước khi đặt tên chính thức dân còn gọi là ngõ 151 đường Hoàng Quốc Việt.
Tên phố mới đặt tháng 2/2003.
Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1917 trong một gia đình nghèo ở làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1927, ông tham gia hoạt động cách mạng, năm 1933 gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương, rồi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1934 – 1936, hoạt động ở nước ngoài, năm 1937, ông về nước tham gia tỉnh ủy Cao Bằng, năm 1938, ông được Đảng giao nhiệm vụ củng cố các đường dây liên lạc ở bên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Năm 1940, ông làm Tỉnh ủy viên Cao – Bắc – Lạng, Đội trưởng Đội Võ trang của Tổng bộ Việt Minh, năm 1942 là Tỉnh ủy viên tỉnh Bắc Kạn. Năm 1944, ông là trung đội trưởng đầu tiên rồi đại đội trường Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chỉ huy các trận Phay Khắt, Nà Ngần… Trong cao trào chống Nhật, ông đã tham gia xây dựng và bảo vệ khu giải phóng Việt Bắc, chỉ huy đánh Nhật ở Bắc Kạn và Thái Nguyên. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là Ủy viên Quân ủy hội và được giao nhiệm vụ Chỉ huy trường khu II.
Năm 1947, ông là Chỉ huy Mặt trận Tây Tiến, có nhiều công lao trong việc tiêu diệt địch, xây dựng cơ sở phát triển chiến tranh du kích; năm 1948, là Chỉ huy trưởng khu III. Từ 1952 – 1954, ông giữ các chức vụ: Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 và Phái viên của Bộ Tổng tư lệnh đi các chiến dịch. Đầu năm 1955, ông là Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng.
Từ cuối năm 1955 đến khi hy sinh, ông là Tư lệnh nhiều quân khu; ông là Bí thư quân khu ủy và Tư lệnh quân khu III, có công trong việc góp phần xây dựng lực lượng vũ trang và chỉ đạo phát động chiến tranh nhân dân, đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Năm 1969, ông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.