Phố Hàng Than dài 409m, rộng 7m.
Từ đường Yên Phụ đến chỗ nối phố Hàng Đậu và phố Quán Thánh.
Tên phố có từ trước thời Pháp thuộc sau người Pháp gọi là “rue su Charbon” năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Than. Các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
Nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực, quận Hoàn Kiếm.
Trong thời gian mấy chục năm gần đây, phố này nổi tiếng không phải vì có những cửa hàng bán than mà vì có những cửa hàng làm bánh cốm! Bánh cốm Hàng Than đã từng là đặc sản của Hà Nội.
Trước đó thì phố này mới đúng là có những nhà bán than, than hoa và than tàu. Nếu ngược dòng thời gian lên xa xưa hơn nữa thì ở đây còn có nghề nung vôi. Nguyên hồi đó sông Cái còn ở sát chỗ chân đê ngày nay (đê cũng còn rất thấp) và như vậy phố này là một bến sông. Thuyền Nam, thuyền Đoài thường xuyên cập bến, bốc đá cung ứng cho các lò vôi bên vệ đê. Ngày ấy đây là phường Giang Tân, sau đổi ra là Hà Tân, rồi lại đổi ra là Thạch Khối. Trong Dư địa chí, phần nói về đất Thượng Kinh tức là Hà Nội, Nguyễn Trãi có chép: “Phường Hà Tân nung vôi”.
Ngày nay ở số nhà 64 đường Yên Phụ còn có đình Thạch Khối thượng và ở số nhà 12 phố Hàng Than còn có đình Thạch Khối hạ (cả hai đình đều thờ Uy Linh Lang, một nhân vật truyền thuyết có công chống giặc Nguyên mà nơi thờ chính là đình An Thọ ở phố Phó Đức Chính).
Đó là đoạn đầu phố Hàng Than. Còn đoạn giữa là địa phận thôn Hòe Nhai, Thôn này cùng với thông Thạch Khối đều thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận. Tới giữa thế kỷ XIX, Hòe Nhai đổi ra là Giai Cảnh. Đền Giai Cảnh hiện nay ở số nhà 54, cũng thờ Uy Linh Lang.
Còn đoạn cuối phố thì đất thôn Yên Thuận. Đền Yên Thuận thượng số nhà 25 và đền Yên Thuận hạ là ở số nhà 39. Thôn Yên Thuận lại thuộc về tổng Yên Thành cùng huyện Vĩnh Thuận.
Chùa Hòe Nhai ở số nhà 19. Chùa này còn được gọi là Hòa Giai, Vốn có tên chữ Hán là Hồng Phúc tự, tương truyền là được xây dựng từ đời Lý. Phạm vi chùa này trước kia khá lớn; sang thời Pháp thuộc đã bị thu hẹp nhưng quy mô vẫn còn rộng như ta thấy ngày nay. Phía trước là chính điện thờ Phật. Phía sau là nhà tổ và tăng phòng. Xung quanh là hành lang, ở chính điện có pho tượng Cựu Long có thể là cổ nhất so với các tượng của chùa này nói riêng và của các chùa Hà Nội nói chung. Trong chùa còn có một số bia cũ ghi lại những lần sửa chũa, trong số này cổ hơn cả là bia dựng năm Chính Hòa thứ 24 (tức 1703) do tiến sĩ Hà Tông Mục soạn. Bia ghi rõ là chùa được thành lập tại phường Hòe Nhai ở Đông Bộ Đầu. Như vậy là chính nhờ có bia này mà giới sử học ngày nay xác định được địa điểm Đông Bộ Đầu (bến Đông) nơi đã diễn ra trận tập kích đánh đuổi quân Nguyên ra khỏi Thăng Long ngày 29/1/1258.
Trở lại món hàng bánh cốm. Thực ra cũng chỉ mới có từ thập kỷ 20 của thế kỷ XX. Hiệu nổi tiếng nhất là Nguyên Ninh (số nhà 11), hủ là người làng Lue, đã cải tiến kỹ thuật nên bánh ngon. Ngoài ra thời đó có cửa hàng thứ hai là An Hưng (số nhà 24 sau dọn xuống số 60).
Nay thì dường như cả phố đều làm bánh cốm.