Phố Hàng Lược dài 264m, rộng 8m.
Từ phố Hàng Cót đến phố Hàng Mã.
Đây nguyên là đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ.
Trước 1901 vẫn là phố Hàng Lược, năm 1901 Hội đồng Thành phố quyết định đổi tên thành phố Sông Tô Lịch với lý do “phố này được xây dựng một phần trên vị trí của cong sông Tô Lịch cổ đã từng chảy qua trước đây”, con sông “thường xuyên được sử dụng trong các câu chuyện kể và trong các bài ca của người Việt Nam”. Hội đồng Thành phố cho rằng, “việc thay tên phố sẽ mang lại kết quả là giữ lại được một cái tên địa danh đang dần dần bị biến mất khỏi bản đồ của Hà Nội”. Năm 1945 phố này lại được đổi tên thành phố Hàng Lược – Sông Tô Lịch, năm 1949 đổi thành phố Sông Tô Lịch, năm 1951 lấy lại tên phố cổ là phố Hàng Lược.
Ngày nay ở phố này vẫn còn hai ngôi đình cũ: đình Phủ Từ ở số nhà 19 và đình Vĩnh Trù ở số nhà 59. Cả hai đều thờ Tứ vị hồng nương. Tương truyền vào đời Trần dân ở cửa bể Can Hải (tức cửa Cờn thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vớt được bốn xác phụ nữ, tức hai mẹ con bà hoàng hậu nhà Tống và hai nữ tì bị giặc Nguyên đuổi bắt, đã gieo mình xuống biển tự tử. Dân đem chốn cất và lập đền thờ, gọi nôm là đền Cờn. Về sau thuyền mành vùng Nghệ Tĩnh ngược xuôi buôn bán trên sông biển vẫn có ban thờ “tứ vị” ở trong khoang thuyền để cầu yên sóng gió (!). Và thế là nhờ những thuyền mành này, “tứ vị” được nhiều nơi biết tới, được lập đền thờ. Rải rác dọc bờ biển nước ta có khá nhiều đền “tứ vị”. Riêng ở Hà Nội, dọc sông Hồng và sông Tô Lịch (cũ) cũng có tới trên mười đền.
Cứ như tên gọi thì phố này là nơi tập trung các nhà sản xuất lược chải đầu hoặc buôn bán mặt hàng này. Nhưng đó là vào thời Lê hoặc đầu thời Nguyễn. Sang thế kỷ XX thì ở đây không thấy có nhà nào báo lược hay sản xuất lược nữa. Từ đấy người ta chỉ quen gọi phố này bằng một cái tên phức hợp là Cống Chéo – Hàng Lược. Vì trước kia, ở khoảng giữa phố, chỗ xế cửa chùa Tây Đen (kỳ thực là một nhà thờ do những người Ấn Độ theo đạo Hồi lập nên) có một cái cống bắc chéo qua sông Tô. Sông Tô vốn từ cửa sông (nơi phố Chợ Gạo ngày nay) qua các phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, cắt ngang phố Hàng Đường rồi bẻ quẹo lên phía bắc (từ phố Phan Đình Phùng) rồi lên Bưởi… Như vậy là phố Hàng Lược đã chạy dọc trên bờ phía đông của sông Tô, có đoạn lại chính là dòng sông.
Nhưng phố Hàng Lược có một mặt hàng mỗi năm chỉ xuất hiện có một lần. Đó là hàng hoa. Hàng năm cứ vào khoảng từ Tết ông Táo (23 tháng Chạp) cho tới tận chiều ngày 30 Tết chợ hoa họp ngay trên đường phố Hàng Lược.
Nguyên trước kia chưa có chợ Đồng Xuân, chỉ có chợ Cầu Đông. Chợ này họp ở cả hai bên bờ sông Tô nơi ngày nay là đoạn đầu phố Hàng Đường. Hoa cũng là một thứ hàng bán ở đây. Sang thời Pháp thuộc, chợ này bị dẹp đi xây chợ Đồng Xuân và thế là hàng hoa cũng phải theo về đấy, ở cầu chợ cuối cùng, sát ngay lề đường phố Hàng Khoai. Nhưng tới khoảng 1910 – 1915 trở đi, cầu chợ đó không chứa nổi dòng suối hoa tết ngày một phong phú về số lượng và chủng loại. Thế là đào Quảng Bá, Nhật Tân, cúc Ngọc Hà, Hữu Tiệp… và các loại hoa mới nhập nội ở các “dinh hoa” quanh hồ Tây, quanh vườn Bách Thảo chọn ngay phố Hàng Lược làm nơi hạ trại. Chợ hoa Hàng Lược cứ thế mà phát triển. Suốt sáu bảy chục năm qua không tết nào là không có chợ hoa. Chỉ trừ cái tết năm Đinh Hợi 1947, lúc đó Hà Nội đang là chiến trường. Chợ hoa đã đành là không họp, nhưng Hàng Lược là giới tuyến phía tây của Liên khu I thì vẫn có hoa. Dù chiến sự lan rộng, đồng bào ngoại thành vẫn theo dõi diễn biến của Liên khu I và để bày tỏ tình cảm gắn bó tiền tuyến và hậu phương, đồng bảo Nhật Tân, Quảng Bá vẫn gửi hoa vào, coi như quà Tết mừng Xuân các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô anh hùng. Và thế là hoa đào, hoa cúc… vẫn lộng lẫy phô sắc trên chiến lũy Hàng Lược.
Còn như trong những năm chống Mỹ ác liệt nhất, chợ hoa có năm phân tán về phố Đường Thành nhưng ở Hàng Lược vẫn có hoa. Có một tết chính quyền ta đã cho phép bọn giặc lái máy bay Mỹ được phóng thích đi xem chợ hoa Hàng Lược trước khi hồi hương để cho chúng tận mắt thấy được một nét sinh hoạt thanh lịch, trang nhã của thành phố Thủ đô anh hùng.