Phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

31/07/2017 15:33

Phố Hàng Buồm dài 300m, rộng 7m. Từ phố Đào Duy Từ đến ngã tư phố Hàng Ngang - Hàng Đường - Lãn Ông, cắt ngang qua phố Hàng Giày.

Phố Hàng Buồm dài 300m, rộng 7m.
Phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Từ phố Đào Duy Từ đến ngã tư phố Hàng Ngang – Hàng Đường – Lãn Ông, cắt ngang qua phố Hàng Giày.

Đây nguyên là đất phường Hà Khẩu. Phường này tới đầu thế kỷ XIX thuộc về tổng Tả Túc (sau đổi ra là tổng Phúc Lâm) huyện Thọ Xương. Nhưng trước đó thì phường này đã xuất hiện coi như là một trong 36 phường của Thăng Long.

Thời Pháp thuộc gọi là “rue des Voiles” phố Hàng Buồm. Sau 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Buồm cho đến nay.

Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Hà Khẩu vốn nằm ở cửa sông Tô, nơi sông Tô thông ra sông Hồng nên mới có tên gọi như vậy (vốn tên là Giang Khẩu, sau do kiêng húy Trịnh Giang (làm chúa từ năm 1729 đến năm 1740) phải đổi ra là Hà Khẩu).

Nơi cửa sông này đã từng là một vị trí đóng quân quan trọng của Lý Nam Đế: năm 545, để chống lại quân xâm lược nhà Lương. Nam Đế đã dựng thành lũy ở cửa sông Tô.

Phường Hà Khẩu – Hàng Buồm còn là quê ngoại của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748). Đã có thời gian bà về dạy học tại đây.

Nhà văn Phạm Đình Hổ (1768-1832) cũng đã từng ở phường này. Trong Vũ trung tùy bút, ông ghi: “Nhà ta ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương. Trước nhà ngoài có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa trắng xóa thơm lừng. Trước nhà giữa có trồng cây lựu trắng và lựu đỏ kết thành quả trông rất đẹp”.

Ngày nay, phố Hàng Buồm còn hai ngôi đình miếu cũ ở chỗ số nhà 8 là đình Tử Dương, tục gọi là hàng thịt vì do phường hàng thịt gốc ở làng Tử Dương nay thuộc huyện Thường Tín ra Thăng Long hành nghề lập nghiệp.

Còn ở số nhà 76 hiện nay là đền Bạch Mã, đã được xếp hạng di tích lịch sử giá trị của Thủ đô, tương truyền là có từ thế kỷ IX. Đền này thờ thần Long Đỗ, cũng gọi là thần Bạch Mã. Theo Việt điện u linh thì thần Long Đỗ đã hiện ra trên không trung khi viên quan đô hộ Cao Biền ra chơi ở cửa Đông thành. Cao Biền sợ hãi liền đem đồng, sắt chôn ngày ở nơi ấy hòng trấn yểm! Nhưng đêm hôm đó, sấm sét nổi lên làm tan tành mọi thứ bùa ấy. Cao Bền càng sợ, phải lập đền thờ. Như vậy là đền này đã ra đời trong thời gian Cao Bền cai trị nước ta (từ năm 866 đến năm 875).

Truyền thuyết cũng kể rằng, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (1010) nhiều phen ông xây thành cứ bị lở. Ông cầu đảo và thế là một sáng chợt thấy có con ngựa trắng từ trong đền Long Đỗ đi ra, đi vòng quanh khu vực xây thành, đi đến đâu để dấu chân lại đến đó, rồi trở lại đi vào đền, biến mất. Vua Lý xây thành theo dấu chân ngựa và thành không lở nữa. Bèn phong cho thần Long Đỗ làm thành hoàng kinh thành Thăng Long. Từ đó thần cũng có tên Bạch Mã.

Thần tích này, qua màn sương của huyền thoại, có thể lọc ra được một sự thực: thần Long Đỗ - Bạch Mã chính là tượng trưng cho ý chí tự lập tự cường thể hiện trong quá trình Hà Nội dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Có lẽ cũng nhận thức như vậy nên vào thế kỷ XIII thượng tướng Trần Quang Khải người anh hùng chống Nguyên có đề một bài thơ ở đền này hai câu kết là:

Nguyện trượng dư uy thanh Bắc khấu

Đốn linh vũ trụ lạc thăng bình

Nghĩa là:

Muốn cậy dư uy trừ giặc Bắc

Để cho non nước được thanh bình.

Cạnh đền Bạch Mã ngày nay là nhà hàng Mỹ Kinh. Nơi này chính là văn chỉ của phường Hà Khẩu xưa (Văn chỉ là một cái nền xây thiên để làm nơi lễ tế tổ đạo Nho). Chứng cứ là có một cái bia tên là “Văn chỉ bi ký” dựng năm 1774 ghi rằng Nhữ Công Điền (đỗ tiến sĩ năm 1772) đã cúng mảnh đất ở bên trái đền Bạch Mã để làm văn chỉ cho hàng phường.

Cứ như tên gọi thì phố Hàng Buồm là nơi bán các loại buồm (may bằng vải hoặc đan bằng cói lác) dùng cho thuyền bè. Có tài liệu cho rằng nơi đây làm và bán các hàng cói đan như bị, giỏ, chiếu, mành mành buồm (?). Nhưng trong thực tế thì các loại hàng bằng cói đan, kể cả các vỉ buồm (để đậy lên các thúng hàng) đã được bán ở phố Hàng Chiếu, cách phố Hàng Buồm chỉ một đoạn (cho tới 1889, phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch vẫn là lòng sông Tô Lịch, nên phố Hàng Buồm là dãy phố dọc bờ Nam còn phố Hàng Chiếu là dãy phố dọc bờ bắc sông Tô).

Ngoài ra phố này còn là nơi tập trung các “cao lâu” tức là các cửa hàng ăn của người Hoa kiều. Nguyên từ thế kỷ XVII, Hoa kiều được phép cư trú tại Thăng Long, họ ở tập trung tại một số phố, trong đó có phố Hàng Buồm. Mà ở vào những nơi trên bến dưới thuyền nhộn nhịp như phố này thì nghề kinh donah các “tửu điếm trà đình” hiển nhiên là thích hợp. Cũng nên kể tới một cái chợ cổ ở nơi đây. Chợ đó ở ngay bên cạnh đền Bạch Mã nên có tên là chợ Bạch Mã. Vào đời Lê đó là một nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới đò tấp nập được coi như một trong tám cảnh tiêu biểu cho thành Thăng Long. (Theo Đại Nam nhất thống chí thì đời Lê, có người đã làm thơ vịnh tám cảnh này: Ngự lâu quan đào tức Lầu ngự xem sóng, Khán sơn lịch chiếu tức Nắng chiều chiếu núi Khán, Thanh Trì vấn tân tức Thăm bến Thanh Trì, Bồ Đề viễn diểu tức Bồ Đề xa trông, Báo Thiên hiểu chung tức Chuông sớm chùa Báo Thiên, Bạch Mã sân thị tức Họp chợ Bạch Mã, Nhị Hà hải phàm tức Buồm biển sông Nhị và Lãng Bạc ngư ca tức Tiếng hát phường chài ở hồ Lãng Bạc).

Trong những ngày đầu của cuộc Toàn cuốc kháng chiến, Hàng Buồm nằm ở trung tâm Liên khu I. Do Ủy ban kháng chiến liên khu cho phép các cửa hàng buôn bán của Hoa kiều được tự do mở cửa nên phố này là nơi duy nhất ở Hà Nội lúc đó có những hoạt động dịch vụ không khác gì thời bình. Một trong hai trạm quân y của Liên khu I cũng được đặt tại đây, số nhà 26.

Còn ngôi nhà số 22 vốn là Hội quán của Hoa kiều gốc tỉnh Quảng Đông xây từ năm 1803 nhưng diện mạo hiện nay là có từ đầu thế kỷ XX. Ngôi nhà số 26 là miếu Quan Đế cũng do Hoa kiều xây dựng và ngôi nhà 19 từng là trụ sở trường tiểu học cho con em Hoa kiều. Nửa phố phía Tây trước năm 1945 tập trung nhiều “cao lâu” (nhà hàng) mà nổi tiếng nhất là hiệu Đông Hưng Viên, có thời gọi là Kim Môn vì hệ tam cấp và hai bên cửa đều bọc đồng luôn bóng láng (nay là Nhà Văn hóa thành phố).

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Ấn tượng triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt”
    Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Triển lãm diễn ra từ nay đến hết tháng 10/2024.
  • Cô gái Thái và hoa ban trắng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cô gái Thái và hoa ban trắng của tác giả Tạ Văn Hoạt.
  • Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao hơn 3,9% so với trước dịch
    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.
  • TP. Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5
    Cụ thể, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được miễn phí tham quan ngày 30/4 và 1/5 tại tất cả các điểm di tích lịch sử có thu phí tại hệ thống các bảo tàng, các điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
  • Phim về địa đạo Củ Chi mừng ngày thống nhất đất nước
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, ê kíp bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" tung teaser với cảnh chiến trường hoành tráng, có xe tăng, vũ khí và cảnh bom rơi, cháy nổ như thật.
  • Khai mạc chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024
    Chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024 là sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa dân gian của cư dân vùng biển và góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế về kinh tế, văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững.
  • Hoa chiến dịch Tây Bắc
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hoa chiến dịch Tây Bắc của tác giả Nguyễn Tiến Luận.
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
  • Cảm tác Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cảm tác Điện Biên của tác giả Trần Quang Bình.
Phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO