Từ phố Lương Định Của (qua khu chợ) đến nhà B24 khu tập thể Kim Liên (sát sông Lừ).
Đông Tác nguyên là tên một phường trong 36 phường hợp thành kinh đô Thăng Long đời Lê. Sang đời Nguyễn các phường bị chia nhỏ, phường Đông Tác vẫn giữ được vị trí và ranh giới, chỉ đổi ra là làng Đông Tác, thuộc về tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương. Làng có một xóm tên là Trung Tự mà khu cư dân thì ở phía Bắc đê La Thành, còn khu cánh đồng thì nay trở thành khu tập thể Trung Tự. Xóm Cam Đường ở cuối khu tập thể này cũng là thuộc làng Đông Tác.
Nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa.
Tên phố được đặt tháng 1/1998.
Làng này có họ Nguyễn di cư từ Thanh Hóa ra từ thế kỷ XIV. Đã sinh ra Nguyễn Hi Quang, từng được phong là Đại vương, được dân làng thờ như một thành hoàng. Thế kỷ XIX có tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (vẫn gọi là cụ nghè Đông Tác) là một nhà giáo đạo cao đức trọng, một nhà văn hóa lớn của Hà Nội. Cháu nội cụ nghè là Nguyễn Hữu Cầu, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà làm cách mạng, tham gia Đông Kinh nghĩa thục nên từng bị đày đi Côn Đảo. Con cụ cử là Nguyễn Hữu Kha, bút danh Thiều Chửu, một nhà Phật học lớn của nửa đầu thế kỷ XIX đồng thời là nhà soạn từ điển sáng giá. Tác phẩm là Hán – Việt tự điển mà ngày nay vẫn được tái bản nhiều lần.