Từ phố Đỗ Ngọc Du đến phố Lê Gia Đỉnh, song song với phố Nguyễn Công Trứ.
Đây nguyên là đất thôn Hoa Viên là một trong 19 phường thôn cả tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, tổng này đổi ra là tổng Thanh Nhàn và chỉ có 8 phường thôn, vì một số các phường thôn đã hợp lại với nhau. Thôn Hoa Viên đã hợp với thôn Hương Thái và thôn Đức Bác… thành thôn mới Hương Viên.
Thời Pháp thuộc là đường số 232 (voie N0232), năm 1945 đổi thành phố Giải Phóng. Năm 1949 đổi thành phố Đồng Nhân cho đến nay
Nay thuộc phường Đồng Nhâ, quận Hai Bà Trưng.
Gọi là phố Đồng Nhân vì phó này giáp với khu vực đền thờ Hai Bà Trưng thường gọi là đền Đồng Nhân. Đền ấy nguyên được xây dựng tại bãi Đồng Nhân trên bờ sông Cái. Sau vì bãi bị lở nên năm 1819 đền được dời vào khu hiện nay vốn là Võ Sở (nơi giảng dạy võ nghệ) đời Lê cũ. Dân làng Đồng Nhân ngoài bãi phần lớn cũng dời vào cư trú ở đây và lập nên một làng Đồng Nhân mới trên đất làng Hoa Viên. Đền Đồng Nhân được dựng nên do một huyền tích: không biết từ đâu hai pho tượng Hai Bà bằng đá, theo dòng sông Cái trôi xuống… Tới một đêm đầu tháng hai Âm lịch, hai pho tượng ấy đã tỏa sáng trước bãi Đồng Nhân. Dân làng này rước tượng Hai Bà vào bờ. Vua Lý Anh Tông được tin, truyền lập đền thờ ngay tại nơi bờ đó (năm 1152).
Đền Đồng Nhân nay mở hội vào ngày mùng 6 tháng 2 Âm lịch, là kỷ niệm ngày rước tượng từ sông lên.
Sự tích ngôi đền như nêu ở trên vốn được ghi trên tấm bia do tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840, nay vẫn còn ở ngoài sân bên phải đên.