Từ phố Nguyễn Thái Học đến phố Cửa Nam. Đây nguyên là đất thôn Yên Trung thượng, tổng a Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương) huyện Thọ Xương cũ.
Tên gọi Đình Ngang có từ đời Lê,chữ Hán là "Hoành Đình", chỉ một cái đình xây ngang giữa đường dùng làm trạm gác để kiểm soát sự ra vào ở cửa Đại Hưng tức cửa nam thành Thăng Long thời đó. Năm 1782, sau gần một năm ở Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán, đến ngày 2 tháng 10 Âm lịch, Lê Hữu Trác lên đường về xứ Nghệ. Ông có cho biết là khi đi qua Đình Ngang này, có ghé vào chào "quan nội thị tả coi giữ ở Đình Ngang" (Thượng kinh ký sự).
Thời Pháp thuộc, đây là phố Tháp canh Thành (rue Tour de la Citadelle) nhưng dân chúng vẫn quen gọi là phố Đình Ngang. Tên này được chính thức hóa từ sau cách mạng.
Ngoài Đình Ngang này ra, Hà Nội cổ còn có một Đình Ngang nữa mà so vào bản đồ 1831 thì ở vào đoạn cuối phố Huế ngày nay.