Phố Bà Triệu, thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hoài Phương (Theo Từ điển đường phố Hà Nội)| 07/06/2017 10:51

Phố Bà Triệu, thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng. Dài 1.952m, rộng 12m.

Từ số 1 phố Tràng Thi chạy cắt ngang qua các phố Hai Bà Trưng. Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du, Trần Nhân Tông, Tô Hiến Thành, Đoàn Trần Nhiệp, Lê Đại Hành tới đường Đại Cổ Việt.

Nguyên đây là phần đất của nhiều làng cũ, theo thứ tự Bắc – Nam là các làng Vũ Thạch, Phúc Lâm, Phục Cổ, Hồi Mỹ, Thể Giao và Long Hồ. Tất cả thuôc tổng Tả Nghiêm (sau đổi là tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương cũ. Chỉ có thôn Thể Giao là thuộc về tổng Tiền Nghiêm, sau đổi ra là tổng Vĩnh Xương cùng huyện. Phố Bà Triệu còn một số tên cũ, đoạn đầu chỗ đề Vũ Thạch có tên gọi là phố Hàng Giò, từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến ngã năm Nguyễn Du có tên là dốc Hàng Kèn hay dốc Miếu Cây Thị.

Thời Pháp thuộc dãy phố này gồm có 2 phố khác nhau: phố Gia Long (từ Hàng Khay đến Nguyễn Du) và phố Lê Lợi (đoạn còn lại). Sau Cách mạng phố Gia Long đổi tên là Mai Hắc Đế, phố Lê Lợi có tên là phố Bà Triệu. Thời tạm chiếm chính quyền bù nhìn phục hồi lại tên phố Gia Long. Sau năm 1954 hợp nhất hai phố và lấy tên chung là phố Bà Triệu và giữ nguyên tên này.

Nay thuộc các phường Tràng Tiền, Hàng Bài quận Hoàn Kiếm, Nguyễn Du, Lê Đại Hành quận Hai Bà Trưng.

Dấu vết các làng thôn này là những đền miếu còn sót lại tới nay: đình, đền và chùa làng Vũ Thạch nay là các số nhà 13 và 13b phố này. Đình làng Hồi Mỹ nay là nhà số 9 phố Bùi Thị Xuân. Chùa Chân Tiên, số nhà 151 phố Bà Triệu là ở trên đất làng Thể Giao. Còn làng Long Hồ sau hợp với làng Hậu Phong Vân thành ra làng Vân Hồ. Chùa Vân Hồ mặt chính là ở phố Lê Đại Hành, mặt sau có cổng thông ra phố Bà Triệu mang biển số nhà 312. Đình Phúc Lâm thì trước đây ít lâu vẫn còn ở khu số nhà 62 Bà Triệu, nay thuộc vào phạm vi Công ty Dệt 10-10. Đình Phục Cổ cũng mới dỡ vào tháng 7/1967, vốn là chỗ ở số nhà 14 Nguyễn Du ngày nay.

Bà Triệu (226-248) là một nữ anh hùng dân tộc đã đứng đầu cuộc khởi nghĩa chống bọn cai trị nhà Ngô vào những năm 247-248, tên thật là Triệu Thị Trinh, là em gái của Triệu Quốc Đạt.

Quê bà là vùng Ngàn Nưa, tức là khu vực giáp giới hai huyện Nông Cống, Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

Vào năm 247, Bà Triệu đã lãnh đạo nhân dân vùng Ngàn Nưa đứng lên khởi nghĩa. Từ đây, nghĩa quân tiến đánh các huyện thuộc quận Cửu Chân. Nhưng khi nghĩa quân sang bờ bắc sông Mã, tiến tới làng Bồ Điền (nay là Phú Điền thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) thì vấp phải sự chống trả dữ dội của quân Ngô do tướng Lục Dận chỉ huy và bà đã hi sinh. Nay ở Phú Điền trên ngọn núi Tùng còn có lăng Bà và trên núi Gai còn có đền thờ bà. Các triều đại Lý – Trần nối tiếp ban sắc phong cho bà làm “Giản chính, anh liệt, hùng tài, Trinh nhất phụ nhân”.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
  • Hà Nội điều chỉnh lộ trình và tần suất hàng loạt các tuyến xe buýt từ 1/4
    Căn cứ vào quyết định của Sở Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã điều chỉnh lộ trình luồng tuyến, tần suất hoạt động, các chỉ tiêu dịch vụ đối với 44 tuyến buýt của Tổng công ty từ ngày hôm nay (1/4).
Đừng bỏ lỡ
Phố Bà Triệu, thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO