Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Lần đầu tiên tiến hành giám sát lại

Đặng Sơn Dương| 22/08/2019 14:24

Từ ngày 12 - 16/8, Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp và cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Lần đầu tiên tiến hành giám sát lại
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân 
phát biểu khai mạc phiên họp
Tại phiên họp này UBTVQH tiến hành xem xét, cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 5 dự án Luật, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện. Bên cạnh đó, UBTVQH xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Về công tác giám sát: UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”; cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014- 2018”; xem xét việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Về các vấn đề kinh tế - xã hội: UBTVQH cho ý kiến việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình; đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Tại phiên họp, UBTVQH tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, trưởng ngành về các nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Công an; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải; Ủy ban Dân tộc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước. 

Tại phiên họp, các đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai), Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Giàng Thị Bình (Lào Cai); Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Trần Thị Dung (Điện Biên), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng),... chất vấn các vấn đề: Quản lý thông tin trên mạng xã hội; xử lý sim rác; giải pháp hỗ trợ ngư dân; tiến độ triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam và một số công trình giao thông trọng điểm; vấn đề quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài; bố trí vốn đầu tư phát triển KT-XH cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; giải pháp xử lý tình trạng chậm trễ, "nợ đọng" trong văn bản hướng dẫn thi hành luật; xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, triệt phá các băng nhóm cho vay nặng lãi, tín dụng đen; xử lý vấn đề rác thải nhựa, bảo đảm môi trường...

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, đã có 35 đại biểu Quốc hội chất vấn, 3 lượt đại biểu tranh luận và hiện còn 12 đại biểu chưa được chất vấn, 2 đại biểu chưa được tranh luận. 

Tại phiên chất vấn, đã có 14 Bộ trưởng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung và trực tiếp trả lời một số câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là lần đầu tiên UBTVQH tiến hành giám sát lại đối với các vấn đề đã được giám sát, chất vấn tại các phiên họp của UBTVQH.

Tiếp nối từ thành công của phiên chất vấn lại ở Kỳ họp thứ 6, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát. 

Nội dung chất vấn bao quát gần hết các vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của hầu hết các bộ, ngành. Có những nội dung đã được chất vấn nhiều lần tại các Kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH nhưng tiếp tục vẫn là vấn đề nóng, được các ĐBQH quan tâm để chất vấn lại tại phiên họp này. 

Nhìn chung, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước mỗi vấn đề bức xúc của người dân. Các đại biểu đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, hỏi thẳng vào vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa được đề cập, làm rõ trong các báo cáo; tích cực tranh luận để đi đến cùng vấn đề.

Các Bộ trưởng, trưởng ngành đã dành thời gian quan tâm và chuẩn bị khá kỹ cho việc trả lời chất vấn, cơ bản nắm chắc và toàn diện vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu được nguyên nhân và giải pháp khắc phục. 

Phiên chất vấn cũng là cơ hội để các thành viên chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề, nội dung còn tồn tại, hạn chế và đề xuất những chủ trương, giải pháp trong thời gian tới. Điều này là hết sức quan trọng nhất là trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đề ra cho cả nhiệm kỳ - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Lần đầu tiên tiến hành giám sát lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO