Chuyển động Hà Nội

Phát triển đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Cần dốc sức đầu tư vào các nền tảng thiết chế

Hoa Quỳnh 17/01/2024 15:37

Tại phiên thảo luận chuyên đề tổng quan về TOD (phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng) thuộc Hội thảo "Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh" sáng 17/1, GS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh, hai thành phố cần coi phát triển đường sắt đô thị là một nhiệm vụ không chỉ có tính kinh tế mà cả an ninh quốc phòng.

Tham luận theo hình thức trực tuyến tại phiên thảo luận chuyên đề tổng quan về TOD, GS. Vũ Minh Khương đến từ Học viện hành chính công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng, các lợi ích thiết yếu từ phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD vô cùng lớn.

gs-vuminhkhuong.jpg
GS. Vũ Minh Khương đến từ Học viện hành chính công Lý Quang Diệu tham luận trực tuyến tại hội thảo "Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh", phiên thảo luận chuyên đề tổng quan về TOD.

Trong các lợi ích này gồm có tạo nền tảng xây dựng nền kinh tế với sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế quy mô, đa dạng, và sức mạnh cộng hưởng. Đồng thời tăng hiệu quả và tính tinh gọn trong phát triển đô thị, gồm giảm sự bức bách phải mở rộng đô thị một cách tràn lan thụ động, giảm rõ rệt chi phí đầu tư hạ tầng (đặc biệt đường sá, cấp điện - nước - viễn thông, thoát nước, giải phóng mặt bằng sau này), tăng nhu cầu, hiệu quả và nguồn thu cho vận tải công cộng, giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm khí thải, tăng năng suất xã hội, giảm chi phí của người dân cho việc đi lại hàng ngày, tăng giá trị của bất động sản và cảnh quan đô thị.

Đặc biệt, phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD sẽ tăng hiệu quả ngành thương mại bán lẻ và dịch vụ thông qua phát triển các trung tâm mua sắm và dịch vụ xung quanh các nhà ga. Thêm nữa sẽ tạo thông điệp lớn với xã hội và cộng đồng các nhà đầu tư về đẳng cấp phát triển, năng lực quản trị quốc gia, và khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Cùng dẫn chứng sự phát triển, các thành quả đã đạt được của hệ thống đường sắt đô thị của một số quốc gia, trong đó nổi bật là Trung Quốc, GS. Vũ Minh Khương cho biết: “Trung Quốc chú trọng các văn bản hướng dẫn thực thi để tăng tính linh hoạt hơn là gò ép đưa vào luật khi thực hiện các dự án. Tính sáng tạo, khát vọng vươn lên, và khả năng huy động vốn, nỗ lực học hỏi để đạt đẳng cấp cao nhất của quốc tế là đặc trưng nổi bật trong phát triển đường sắt đô thị ở Trung Quốc”.

so-do.jpg

Đối với Thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, GS. Vũ Minh Khương đưa ra 3 đề xuất để hai thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Thứ nhất, GS. Vũ Minh Khương cho rằng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và tính cấp bách chiến lược của phát triển đường sắt đô thị. Coi phát triển đường sắt đô thị là một nhiệm vụ không chỉ có tính kinh tế mà cả an ninh quốc phòng (hệ thống đô thị ngầm). “Thành công trong phát triển nhanh chóng hệ thống đường sắt đô thị có tác động cực kỳ lớn trong nâng cao khả năng của Việt Nam trong thu hút đầu tư có hàm lượng tri thức lớn và tăng nhanh năng suất lao động. Đặc biệt chú trọng thu hút sự tham gia sâu rộng của các Bộ, ngành và toàn xã hội, đặc biệt là khối doanh nghiệp và chuyên gia trong nước và quốc tế trong thảo luận về chiến lược thực hiện nỗ lực này”, GS. Vũ Minh Khương phân tích.

Thứ hai, tổ chức thực hiện có chiến lược thông tuệ và phân định tổ chức chịu trách nhiệm rõ ràng. GS. Vũ Minh Khương cho rằng, mỗi thành phố nên bắt tay vào 1-2 tuyến thử nghiệm với các tiêu chí sau: tính khả thi cao, tác động lớn, phí thu hồi đất thấp (nên chọn phương án ngầm nếu cần thiết). Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy giá thành 1km là khoảng 100-120 triệu USD cho tuyến ngầm và 60-70 triệu cho tuyến nổi), sự quan tâm của nhà đầu tư và giá trị học hỏi cho các dự án tiếp theo.

Thời gian hoàn tất các dự án thử nghiệm này, theo GS. Vũ Minh Khương là trước 2030 và chú trọng ba tiêu chí lớn dựa trên chuẩn mực có từ Trung Quốc và Ấn độ, đó là: Chất lượng; giá thành; tiến độ thực hiện.

sodo2.jpg

Thứ ba, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần dốc sức đầu tư vào các nền tảng thiết chế và động lực yểm trợ cho xây dựng, quản lý đường sắt đô thị như một ngành kinh tế chiến lược, và Việt Nam cần coi đây là ngành đặc biệt chiến lược, không thua kém ngành bán dẫn.

“Đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp phù trợ, năng lực hợp tác quốc tế cũng như trình độ quản lý các dự án lớn cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Các cơ quan trung ương cần huy động đội ngũ tinh nhuệ nhất để tư vấn và hỗ trợ Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong phát triển đường sắt đô thị trong các năm tới”, GS. Vũ Minh Khương nêu quan điểm./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Cần dốc sức đầu tư vào các nền tảng thiết chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO