Giàu tiềm năng
Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín) cách trung tâm Thủ đô khoảng 20km. Làng chuyên trồng hoa, cây cảnh từ những năm 1980, lại có lợi thế nằm trong vành đai xanh của Thủ đô và hội tụ những nét đẹp yên bình của một làng quê ven đô. Năm 2018, Hồng Vân đã được Thành phố công nhận là Điểm du lịch làng nghề sinh thái.
“Đây là dấu ấn quan trọng để chính quyền và nhân dân xã Hồng Vân đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Hồng Vân nói riêng và huyện Thường Tín nói chung”, ông Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân chia sẻ.
Nhờ kịp thời nắm bắt xu hướng của thị trường, các hộ dân ở Hồng Vân đã chuyển đổi từ việc trồng các loại cây cảnh có giá trị lớn như sanh, si, tùng, mai... sang các loại cây phổ biến, cho hiệu quả kinh tế cao như hoa hồng, giấy, lộc vừng hay các loài thảo dược và cây ăn quả. Không dừng ở đó, chính quyền địa phương còn vận động người dân trồng hoa hai bên đường làng, ngõ xóm nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Nổi bật là những con đường mang tên các loài hoa như đường Bằng Lăng, đường Hoa Ban, đường Hoa Giấy, đường Lộc Vừng... Song song với đó, Hồng Vân còn phát triển các trang trại phục vụ du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Nhờ đó, năm 2019, xã Hồng Vân thu hút khoảng 70 nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài nước.
Nằm trên địa bàn xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn), Công viên nông nghiệp Long Việt rộng 120.000m2 là địa chỉ quen thuộc của nhiều gia đình, trường học trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, cùng với những ngôi nhà truyền thống và không gian được thiết kế gợi nhớ đến làng quê Bắc Bộ xưa, du khách được tham gia các trò chơi dân gian như úp nơm bắt cá, bịt mắt đập niêu, chèo thuyền thúng..., trải nghiệm việc cuốc đất trồng rau, cấy lúa, thu hoạch cà chua... Chị Nguyễn Nguyệt Minh (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tôi rất thích mô hình du lịch nông nghiệp bởi các cháu nhỏ được gần gũi với thiên nhiên và hiểu hơn về cuộc sống của người nông dân”.
Hai mô hình nói trên là ví dụ cho thấy tiềm năng du lịch nông nghiệp ở Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều mô hình tương tự tại Ba Vì, Đông Anh, Ứng Hòa, Thạch Thất... Các địa phương này đều có lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và vẫn tồn tại các làng nông nghiệp lâu đời. Đó là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp tại Hà Nội.
Vẫn thiếu “sức bật”
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng có thể thấy, du lịch nông nghiệp ở Hà Nội vẫn thiếu “sức bật” để bắt kịp các loại hình du lịch khác. Chỉ ra nguyên nhân khiến du lịch nông nghiệp chưa thể phát triển mạnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng: “Nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông thôn còn chưa đồng bộ, chưa thuận tiện để khách du lịch tiếp cận du lịch nông thôn...”.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Vietsense Travel, du lịch nông nghiệp ở Hà Nội còn thiếu những sản phẩm đặc sắc, chưa kể sự trùng lặp, na ná nhau giữa các địa phương. “Cùng với đó, tính liên kết giữa ba bên: Nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp lữ hành còn yếu nên chưa thể tạo lực đẩy cho loại hình du lịch này phát triển”, ông Nguyễn Văn Tài nói.
Nhấn mạnh đến sức hấp dẫn của sản phẩm để thu hút khách, Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, Giám đốc trang trại Đồng Quê (Ba Vì) cho rằng: “Với du lịch nông nghiệp, lịch sử và văn hóa hình thành sản vật giữ vai trò chính. Các sản vật mang tính văn hóa địa phương được cộng đồng dân cư nông nghiệp sản sinh ra theo dòng lịch sử và gắn kết sâu sắc với thiên nhiên bản địa. Đó chính là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn du khách”.
Rõ ràng tài nguyên du lịch nông nghiệp ở Hà Nội vô cùng phong phú, nhưng muốn bật xa hơn, vẫn cần có một lực đẩy là sức mạnh tổng hòa của các yếu tố: Nguồn nhân lực, tính liên kết và sức hấp dẫn của sản phẩm...