Phát triển doanh nghiệp, gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới

Đăng Chung| 28/07/2017 17:04

Không chỉ nỗ lực trong xây dựng doanh nghiệp, chăm lo đời sống cho người lao động, ông Hoàng Văn Nghĩa - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Chính Đáng (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) cũng tích cực chia sẻ những khó khăn với công đồng, gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao...

Nỗ lực vượt khó

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay là  huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội), ngay từ khi 18 tuổi ông Hoàng Văn Nghĩa đã “bén duyên” với nghề mộc khi làm thợ xẻ cho các cơ sở, nhà xưởng làm mộc trên địa bàn huyện Thanh Oai. Nhờ siêng năng, chịu khó học tập, sau hơn 10 tích lũy kinh nghiệm, ông Nghĩa đã tự xây được một cơ sở xưởng mộc quy mô khá lớn tại quê nhà (khu vực cầu Chuông, xã Phương Trung). Xưởng mộc của ông Nghĩa đi vào hoạt động đã góp phần phát triển kinh tế cho gia đình, vừa tạo ra nhiều công ăn việc làm đều đặn cho hàng chục người dân lao động nơi đây.

Phát triển doanh nghiệp, gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới
Ông Hoàng Văn Nghĩa - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Chính Đáng đang trực tiếp sản xuất cùng công nhân doanh nghiệp.
Ông Nghĩa chia sẻ: “Những ngày mới vào nghề tôi đã được các anh, các chị trong những xưởng xẻ, cơ sở mộc như những người thầy có kinh nghiệm làm nghề, dạy bảo tận tình và cứ thế tôi lớn lên cùng với nghề. Suốt gần 20 năm học và làm nghề, những công việc liên quan đến đồ gỗ để làm các sản phẩm gia dụng tưởng đơn giản, tuy nhiên trên thực tế công việc của một thợ mộc, thợ xẻ gỗ không hề dễ dàng. Phải có sức khỏe, khéo léo thậm chí là cặm cụi nhiều ngày để tạo ra được những sản phẩm vừa chất lượng, vừa đẹp về thẩm mỹ… Vì vậy, yêu cầu người làm nghề phải yêu nghề có tính cần cù, tỉ mỉ, khéo léo và phải có sự tinh tế. Đồng thời, phải có con mắt tinh tường, có óc thẩm mỹ mới có thể tạo ra một tác phẩm mang tính nghệ thuật từ gỗ. Tôi luôn ý thức rằng, mình làm nghề thôi chưa đủ mà mình phải dạy nghề và truyền nghề cho nhiều người khác. Chính vì lẽ đó, năm 1983, tôi đã quyết định khởi nghiệp gây dựng thành lập cơ sở xưởng gỗ của chính mình tại khu vực cầu Chuông, xã Phương Trung vừa để thỏa mãn niềm đam mê về gỗ, phát triển kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm cho người lao động.” 

Ông Nghĩa nhớ lại: “Lúc đầu mới thành lập cơ sở cũng gặp rất nhiều khó khăn, với gần 10 người thợ và dần dần cơ sở của tôi lớn dần và phát triển nhanh chóng”. Được biết, các sản phẩm mà cơ sở ông Hoàng Văn Nghĩa lúc đó làm ra như: cửa, cầu thang, tủ chè… với chất lượng tốt và tất cả đều chứa chan niềm yêu nghề từ đôi bàn tay của những người thợ. Nhờ đó, cơ sở sản xuất của ông Hoàng Văn Nghĩa đã trở thành một trong những địa chỉ “đỏ” tin cậy của nhiều khách hàng.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Sau nhiều năm nỗ lực phát triển cở sở nhà xưởng, đến năm 2000 ông Hoàng Văn Nghĩa đã quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Chính Đáng. Để có một cơ sở phát triển như ngày hôm nay, ông Nghĩa tâm sự: “Ngay từ khi học nghề, làm nghề tôi luôn tâm niệm phải hết sức cẩn trọng, tính toán thật kỹ, lấy uy tín làm đầu và không bao giờ được nản chí. Vì vậy, tôi cố gắng để sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường, lấy được lòng tin của đối tác bằng chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu. Có như vậy thì mới sống được với nghề. Đến năm 2006, được sự quan tâm của chính quyền địa phương doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ giao cho 1.200 m2 diện tích mặt bằng từ HTX Nông nghiệp Phương Trung tại thôn Tân Dân 1 xã Phương Trung để thực hiện dự án xây dựng xưởng chế biến lâm sản và giới thiệu làng nghề. Từ đó, cơ sở của doanh nghiệp đã khang trang hơn, góp phần ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh…”. 

Cũng nhờ có tài mộc trong xây dựng, sản phẩm chất lượng uy tín trong nghề nên Doanh nghiệp tư nhân Chính Đáng của ông Hoàng Văn Nghĩa cũng là một trong rất ít cơ sở tại địa phương được mời đi xây dựng các công trình đình, chùa khắp cả nước. Qua bàn tay của những người thợ, hàng chục mái đình, chùa được gọt đẽo một cách tinh xảo tiêu biểu như: dự án cổng đền Trình, chùa Hương (Hà Nội), dự án tại Thanh Hóa, dự án tại Hưng Yên… Những ngôi chùa qua bàn tay xây dựng của ông Nghĩa, đều toát lên dáng dấp cổ kính, thân thuộc. Bên cạnh đó là hàng trăm dự án nhà ở dân sinh với các hạng mục như: cửa gỗ, cầu thang, tủ, bàn ghế, sàn gỗ, trần nhà gỗ… được hoàn thành với chất lượng cao. 

Nhắc đến Doanh nghiệp tư nhân Chính Đáng, ông Phạm Văn Toàn – Chủ tịch UBND xã Phương Trung, huyện Thanh Oai cho biết, Doanh nghiệp tư nhân Chính Đáng là đơn vị doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của địa phương, cộng đồng, xã hội. Bản thân ông Nghĩa là người nhiệt huyết, hăng say lao động, chấp hành tốt chủ chương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. “Không chỉ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, ông Nghĩa còn là người có trách nhiệm với xã hội với cộng đồng, luôn thông cảm biết chia sẻ những khó khăn với xã hội, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của địa phương. Với những nỗ lực thực hiện tốt các phong trào tại cơ sở, đầu năm 2017 vừa qua, ông Hoàng Văn Nghĩa cũng vinh dự được UBND xã Phương Trung, (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội - PV) tặng giấy khen trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2016…” - Chủ tịch UBND xã Phương Trung - Phạm Văn Toàn nói.  

“Mới đây doanh nghiệp cũng được UBND huyện Thanh Oai cấp giấy phép xây dựng dự án nhà xưởng chế biến lâm sản với diện tích 1.000m2, tại vị trí nhà xưởng cũ của doanh nghiệp (thôn Tân Dân 1, xã Phương Trung) với các hạng mục công trình như: cổng sắt ra vào và tường rào công trình; nhà điều hành; nhà xưởng sản xuất; nhà nghỉ ca công nhân; nhà kho… Các hạng mục công trình đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ góp phần tạo động lực để doanh nghiệp phấn đấu xây dựng và phát triển lên tầm cao mới. Đồng thời, cải thiện cho người lao động yên tâm làm việc và nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh…” - ông Nghĩa phấn khởi cho biết.

Hiện nay, Doanh nghiệp tư nhân Chính Đáng đã thu hút nhiều lao động trên địa bàn huyện Thanh Oai. Hàng năm, doanh nghiệp đã tạo được việc làm cho 30 lao động (cả cơ hữu và thời vụ) trong xã và các vùng lân cận có việc làm ổn định với mức thu nhập từ khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Để tiếp tục phát triển tốt doanh nghiệp, hàng ngày ông Nghĩa luôn tìm tòi, chọn lọc các loại nguyên liệu tốt nhất phục vụ sản xuất, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. 

Được biết, nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm từ gỗ của cơ sở Doanh nghiệp tư nhân Chính Đáng chủ yếu là: lim Lào, lim nhập từ châu Phi. Với tiêu chí sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sắc sảo… nhờ đó, các mặt hàng do cơ sở của ông làm ra (khuân cửa gỗ, tủ gỗ, kệ, cầu thang, trần nhà, sàn nhà gỗ…) ngày càng khẳng định được “thương hiệu” trên thị trường và được tiêu thụ rộng khắp trên cả nước. Với sự nỗ lực của tập thể, tổng doanh thu của Doanh nghiệp tư nhân Chính Đáng trung bình đạt trên từ 12 - 13 tỷ đồng/năm.  Được biết, sắp tới doanh cũng tham gia làm 1 số hạng mục tại dự án chùa Tiên Tảo, Sóc Sơn (Hà Nội).

Mặc dù còn nhiều khó khăn mang tính đặc thù như quy mô doanh nghiệp nhỏ, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, khả năng tài chính hạn hẹp… nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, Doanh nghiệp tư nhân Chính Đáng đang ngày đêm nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế tại địa phương. Ở nông thôn, việc phát triển kinh tế địa phương, các doanh nghiệp không chỉ tạo ra nguồn thu nhập đáng kể mà còn là “kênh” giải quyết việc làm, góp phần hạn chế các hủ tục, tệ nạn. Doanh nghiệp tư nhân phát triển còn góp phần tạo ra diện mạo đô thị hóa mới cho nông thôn, để lao động nông thôn “ly nông nhưng không ly hương” và làm giàu trên quê hương mình. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phát triển doanh nghiệp, gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO