Những gì đẹp nhất của người con gái Hà Nội, góc phố rêu phong, mùa Đông Hà Nội trở thành tứ thơ để nhà thơ Phan Vũ sáng tác bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố”.
Nhìn phố xá Hà Nội, giới văn nghệ sĩ lại nhớ về Phan Vũ, nén nỗi đau tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.
Từ thơ sang nhạc
Nhà thơ Phan Vũ từng tâm sự: “Tôi viết “Em ơi! Hà Nội phố” vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm vào cơn mưa bom B52 xối xả. Trong một đêm lang thang giữa những góc phố hiu quạnh gần Nhà máy điện Yên Phụ, cảm xúc nhớ Hà Nội bình yên đã thôi thúc tôi viết nên những ca từ đau đáu.
Nhà thơ Phan Vũ, tác giả bài thơ ''Em ơi! Hà Nội phố'' đã ra đi. |
|
Cảm xúc, bối cảnh trong thơ đều được lọc từ những gì đẹp nhất của người con gái Hà Nội, góc phố rêu phong, mùa Đông Hà Nội”. Hồi đó, nhà thơ Phan Vũ thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái nên hay đi theo họa sĩ Phái. Họa sĩ Phái vẽ phố, còn Phan Vũ nghĩ về phố.
Bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố” như một trường ca (443 câu thơ, chia làm 24 khổ) được Phan Vũ sáng tác trong một thời gian dài. Có khi cảm xúc tuôn trào, ông phải nhờ cô bé nhà bên chép hộ. Nhưng hơn 10 năm, sau khi bài thơ ra đời, cũng chưa mấy ai biết đến “Em ơi! Hà Nội phố” của Phan Vũ.
Phải mãi đến năm 1986, Phú Quang tình cờ gặp Phan Vũ tại TP Hồ Chí Minh, trong nỗi nhớ Hà Nội, nhà thơ đã đọc tác phẩm của mình cho nhạc sĩ Phú Quang nghe. Nghe xong, Phú Quang xúc động và nói với Phan Vũ chắc chắn có một bài hát hay. Từ bài thơ dài hơn 400 câu, Phú Quang lọc ra 20 câu với những tứ nghĩ của mình để ra một bài hát đi cùng năm tháng trong lòng khán giả.
Những câu thơ Phú Quang chọn phổ nhạc gắn với hình ảnh đặc trưng của Hà Nội mà hễ mở lời, dễ dẫn dụ người nghe đồng cảm. Những năm cuối đời, Phan Vũ chủ yếu sống ở TP Hồ Chí Minh. Ông khao khát một lần trở lại Hà Nội, nơi có hương hoàng lan, hoa sữa và kỷ niệm về phụ nữ đẹp. Còn Phú Quang, “mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về”, đắm chìm trong hương hoa sữa và những hơi thở riêng mà chỉ ở Hà Nội ông mới cảm nhận được.
Con người của nghệ thuật
Sáng 17/7, gọi điện cho nhạc sĩ Phú Quang, dù chưa kịp hỏi về sự ra đi của Phan Vũ, giọng ông có phần chùng xuống để bày tỏ: “Từ hôm qua đến giờ, tôi có biết về tình trạng sức khỏe của nhà thơ Phan Vũ. Sáng nay, nghe tin anh Phan Vũ trút hơi thở cuối cùng, tôi buồn lắm! Tôi biết, vòng đời sinh - lão - bệnh - tử là không thể tránh, nhưng khi nghe tin anh đi tôi vẫn buồn.
Anh Phan Vũ rất quý tôi. Tôi lại càng áy náy khi ước muốn qua nhà ông mua bức tranh về treo trong nhà làm kỷ niệm, sự tri ân mà vì sức khỏe, chưa thực hiện được”. Những tháng năm cuối cùng, Phan Vũ phải chống chọi với bệnh tật và đau yếu. Ông hôn mê sâu trước khi trút hơi thở cuối cùng tại TP Hồ Chí Minh vào 3 giờ sáng ngày 17/7.
Phan Vũ tên thật Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông đi bộ đội khi 20 tuổi, sau đó ở lại miền Nam sinh sống và công tác. Năm 1954, ông ra Bắc, làm việc tại Xưởng phim truyện Việt Nam và làm báo.
Các tác phẩm nổi tiếng của ông: kịch “Lửa cháy lên rồi”, “Dòng sông âm vang”, “Bà mẹ và thanh gươm”, tuyển thơ “Ta còn em”. Từ khi nghỉ hưu nhà thơ chuyển qua vẽ tranh và sống trọn với đam mê này, ông mở xưởng vẽ riêng tại TP Hồ Chí Minh. Năm ngoái, ông còn mở triển lãm riêng “Em ơi! Hà Nội phố” tại TP Hồ Chí Minh như sự hoài niệm về Hà Nội.
Theo nhà báo Diễm Chi, Phan Vũ là người tha thiết yêu cuộc sống. “Ông không bao giờ nghĩ tới cái chết. Ông luôn nói rằng mình thích làm cái này, kế hoạch thực hiện cái kia. 90 tuổi rồi ông vẫn muốn làm những bài thơ mới, viết kịch bản, vẽ tranh mới” - người phụ nữ gắn bó với Phan Vũ những năm cuối đời chia sẻ.
Năm 2018, Phan Vũ ra Hà Nội ra mắt tập “Ta còn em”. Cũng trong năm này, Ban tổ chức giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội trao Giải tác phẩm cho tập thơ. Như vậy, đến tận những ngày cuối đời, còn lại chút sức khỏe cuối cùng, Phan Vũ vẫn nhớ, vẫn yêu và cống hiến các tác phẩm nghệ thuật cho Hà Nội.