Sau hàng loạt những sai phạm về gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được phát hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng nhằm đánh giá lại toàn bộ quy trình tổ chức thi và tìm giải pháp khắc phục những bất cập đã xảy ra.
Đề thi THPT quốc gia năm 2019 nằm trong chương trình THPT, bao gồm ở cả ba lớp 10, 11, 12. Ảnh: Viết Thành |
Để giải tỏa mối lo lắng, thấp thỏm của học sinh, phụ huynh, Tiến sĩ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vẫn giữ ổn định như kỳ thi năm 2018 song sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để kỳ thi bảo đảm công bằng, nghiêm túc, khách quan. Một trong những điều chỉnh dự kiến sẽ áp dụng từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là ở khâu chấm thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tối đa cho việc phát hiện, ngăn chặn các sai phạm trong quá trình chấm thi để hạn chế tiêu cực như đã từng xảy ra ở kỳ thi năm 2018.
Cũng nhằm mục tiêu hạn chế các hành vi gian lận, việc tổ chức chấm chéo giữa các địa phương sao cho giáo viên không chấm bài của học sinh tỉnh mình cũng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét để áp dụng từ kỳ thi năm 2019.
Đề thi được ra theo hướng nào, phạm vi ra sao đang là mối quan tâm của học sinh và giáo viên các nhà trường. Giải đáp câu hỏi này, Tiến sĩ Mai Văn Trinh cho biết: Tại Quy chế thi THPT quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT nêu rõ: Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT. Điều này có nghĩa, nếu như năm 2018, đề thi THPT quốc gia nằm trong chương trình lớp 11 và 12, thì năm 2019, đề thi sẽ bao phủ toàn bộ chương trình ở cả 3 lớp 10, 11 và 12.
Cũng theo Tiến sĩ Mai Văn Trinh, những điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chỉ tập trung vào những người tổ chức thi. Học sinh hoàn toàn yên tâm học tập theo hướng dẫn của thầy, cô giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo triển khai kế hoạch năm học theo đúng quy định, trong đó tập trung vào việc giảng dạy giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng tốt nhất để bước vào kỳ thi theo định hướng đã triển khai.
Băn khoăn khâu chấm
Chấm thi là khâu nhận được sự quan tâm nhất của dư luận sau nhiều sự việc gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được phát hiện. Để quyết định phương án chính thức cho khâu chấm thi năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến về việc này. Theo ghi nhận ban đầu, phương án tổ chức chấm chéo giữa các địa phương đang nhận được sự đồng thuận của nhiều sở giáo dục và đào tạo, song vẫn có ý kiến lo lắng về nguy cơ các địa phương có thể “bắt tay nhau” để nâng kết quả thi như đã từng xảy ra tại 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long những năm trước.
Đại diện một trường đại học lớn khu vực phía Bắc với chỉ tiêu hàng nghìn thí sinh mỗi năm, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo duy trì cách thức tổ chức thi như hiện tại nhưng giao cho các trường đại học chủ trì khâu chấm thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo, lực lượng an ninh sẽ giám sát việc này. Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều sử dụng kết quả thi THPT để làm căn cứ xét tuyển đầu vào, vì vậy, đây vừa là trách nhiệm, vừa là động lực để các trường phải làm nghiêm túc vì mục tiêu chất lượng và uy tín của chính mình.
Là phụ huynh vừa có con tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bà Hoàng Thị Nga (phụ huynh học sinh Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm) cho rằng, một trong những sơ hở trong khâu chấm thi là quy định cho thí sinh làm cả ba môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp trên một phiếu trả lời trắc nghiệm, và phiếu này lại được thí sinh lưu giữ trong suốt buổi thi tổ hợp.
Thông tin từ các con tham gia kỳ thi vừa qua cho thấy, sau mỗi giờ nghỉ giữa hai môn thi, các con vẫn có thể trao đổi, thông tin với nhau về đáp án và điều chỉnh khi vào giờ thi môn tiếp theo. Việc điều chỉnh này rất đơn giản, các con chỉ tẩy đi phần khoanh bằng bút chì trước đó.
Vì vậy, cần tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm, hết giờ thi môn nào, thí sinh phải nộp luôn phiếu đó. Cách thức này vừa giúp giám thị bớt áp lực trong việc kiểm soát thí sinh, vừa tạo công bằng cho các thí sinh, hạn chế các hành vi gian lận.
Thông tin mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 24-9 cho biết: "Kỳ thi THPT quốc gia những năm tới dự kiến được cải tiến theo hướng không phục vụ mục đích “2 trong 1” (tức là không bao gồm cả mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng) mà đánh giá thực chất và công khai chất lượng dạy và học THPT. Trên cơ sở đó, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả thi để làm căn cứ xét tuyển thí sinh vào trường".
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang lấy ý kiến đóng góp để chốt phương án cụ thể cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.