'Nuôi con tu hú' 3 năm, chồng đòi vợ bồi thường 100 triệu đồng

VnE| 31/05/2019 09:46

Không thiếu tiền, nhưng anh Đức Hải vẫn yêu cầu vợ trả số tiền này để bù đắp tổn thương tinh thần sau 3 năm nuôi con hờ.

5 năm giải quyết các vụ ly hôn, luật sư Vũ Quang Bá (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho hay anh gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tình huống đòi bồi thường tổn thất tinh thần của đôi vợ chồng ở Thái Bình cuối năm ngoái là hy hữu.

Chị Thu Trang, 30 tuổi, là công nhân một nhà máy, từng yêu một người 4 năm nhưng gia đình nhà trai phản đối. Họ chia tay. Chị Trang sau đó yêu anh Hải, 33 tuổi.

Trước khi kết hôn, Trang có vài lần gặp lại tình cũ. Hai người thống nhất gặp nhau lần cuối và vượt quá giới hạn. Anh này cũng cưới vợ sau đó không lâu.

Sau khi cưới chừng một tháng, chị Trang phát hiện mình mang bầu, không mảy may nghĩ đó là của tình cũ. Chồng chị rất vui khi biết tin, chăm sóc chị kỹ lưỡng, không tiếc thứ gì để chị bồi bổ sức khỏe. Khi bé Bi chào đời, cả nhà nội ai cũng xuýt xoa thằng bé giống bố. Anh Hải dù bận việc kinh doanh nhưng hết lòng chăm sóc con.

Nhiều đàn ông cay đắng khi phát hiện nuôi con tu hú nhiều năm. Ảnh minh họa: PBS.

Nhiều đàn ông cay đắng khi phát hiện "nuôi con tu hú" nhiều năm. Ảnh minh họa: PBS.

Con lớn dần, chị Trang hoang mang nhận ra thằng bé có những nét giống người tình cũ. Con được 3 tuổi, chị bí mật làm xét nghiệm ADN, và điếng người khi biết Bi không phải là con của anh Hải. Một lần anh Hải tìm đồ và phát hiện ra tờ kết quả dưới đáy tủ. Chị thú thật với anh mọi chuyện và xin anh tha thứ. Nhưng anh cương quyết ly hôn vì cảm thấy bị phụ bạc và quá sốc.

Anh Hải để vợ về nhà ngoại, còn vẫn giữ bé Bi lại nhà nội. Chị Trang lo sợ anh có thể làm gì cậu bé, nên quyết định thuê luật sư để giải quyết ly hôn nhanh chóng. "Tôi vẫn nhớ gương mặt đẫm nước mắt của chị khi tới tìm gặp tôi. Chị nói mọi lỗi lầm là do mình, nên sẽ đồng ý ly hôn. Chị chỉ mong sớm được nhận lại con", luật sư Bá kể lại.

Trái với lo lắng của chị, anh Hải vẫn chăm sóc con như bình thường. Anh chỉ yêu cầu chị bồi thường 100 triệu đồng là "phí tổn thương tinh thần". "Tâm sự với tôi, anh ấy nói không cần tiền, nhưng rất buồn vì điều đã xảy ra, và muốn làm gì đó để trút những bực tức trong lòng. Vì danh dự, anh buộc phải ly hôn", luật sư Bá chia sẻ.

Chị Trang sau đó vay mượn đủ tiền để trả anh Hải theo thỏa thuận. Sau phiên tòa xử ly hôn, anh Hải tiến lại gần bé Bi và nói: "Ba không ở cùng con nữa, nhưng khi nào con cần ba vẫn xuất hiện. Ba vẫn luôn yêu thương con", luật sư Bá kể. Khoảnh khắc đó khiến chị Trang rơi nước mắt.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cho hay cách đây hai năm, anh cũng từng xử lý một trường hợp đòi bồi thường tương tự ở Hà Giang, là vụ việc anh lần đầu gặp sau nhiều năm hành nghề.

Người vợ tên Lan, 28 tuổi, ly hôn anh chồng tên Trung. Chị được tòa phân xử nuôi đứa con trai 4 tuổi. Người chồng tìm mọi cách giành lại quyền nuôi con. Chị Lan phải nhờ chính quyền can thiệp mới được đón con về.

Hai năm sau ngày ly dị, chị Lan tái hôn với người yêu cũ. Anh Trung tuyên bố không trả con lại, vì không muốn con có bố dượng. Đến nước này, chị Lan mới đưa bản xét nghiệm ADN cho thấy cậu bé không phải con anh Trung, mà chính là con ruột của người chồng hiện tại. Hóa ra hai người từng có thời gian ngắn qua lại khi chị Lan mới kết hôn. Chị cũng không biết đó là con tình cũ cho đến khi con càng lớn càng giống người kia.

Anh Trung sau đó yêu cầu chị Lan phải bồi thường tổn thương tinh thần 200 triệu đồng và phí nuôi con 4 năm. Vì nhanh chóng muốn đón con về và tránh những rắc rối về sau, chị Lan lo đủ số tiền trả cho chồng cũ.

"Trường hợp này không nằm trong quy định nào của pháp luật. Việc đòi bù đắp tổn thương tinh thần là do cả vợ, chồng đồng ý, trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Việc này giúp cả hai cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn trong mối quan hệ về sau", luật sư Hồng Thái nói.

Bà Lê Thị Hằng, chủ tịch Hội luật gia quận 4, TP HCM, với 40 năm trong nghề, trong đó có 30 năm làm thẩm phán, cho biết bà từng xử lý nhiều vụ ly hôn khi chồng phát hiện không phải con mình nhờ giám định ADN, nhưng chưa thấy ca nào chồng đòi vợ phải bồi thường tổn thương tinh thần.

"Trong những trường hợp này, rất khó để chứng minh người chồng bị tổn thương tinh thần thế nào. Còn người vợ chỉ giấu giếm sự việc, chứ không có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hay uy tín của chồng, vì vậy tòa sẽ không thụ lý giải quyết", bà Hằng nói.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình TP HCM, trong những trường hợp này, khi phát hiện ra sự thật, cách giải quyết thấu đáo nhất là người phụ nữ nên thẳng thắn nói với chồng mình. Có nhiều người đàn ông vị tha sẵn sàng tha thứ khi vợ thành thật, hối cải. Còn khi sự việc vỡ lở sẽ rất khó để cứu vãn.

Cũng là một tình huống đòi bồi thường khi "nuôi con tu hú", báo chí Anh hồi đầu năm nay đồng loạt đưa về vụ triệu phú Anh, Richard Mason phát hiện 20 năm nuôi con người khác , sau một lần đi khám biết mình bị vô sinh bẩm sinh. Ông đệ đơn ra tòa, đòi lại 4 triệu bảng Anh, đồng thời kiện vợ cũ vì tội lừa đảo. Cuối 2018, bà vợ đã đồng ý trả chồng cũ 250.000 bảng Anh.

Tại Trung Quốc, một số người chồng đã đòi được bồi thường tổn thất tinh thần sau khi biết vợ lừa dối, khiến họ nuôi con người.

Cuối năm 2018, tòa án Chung Minh, Thượng Hải, xử lý vụ việc anh chồng họ Shen đòi vợ phải bồi thường 100.000 tệ (350 triệu đồng) cho 7 năm nuôi con hờ. Ra tòa, người vợ đồng ý ly hôn nhưng không muốn xét nghiệm ADN, khăng khăng đó là con chồng, và cũng không đồng ý bồi thường. Sau đó, anh Shen cung cấp được các chứng cứ anh không cùng phòng với vợ trong quá trình cô thụ thai. Tòa án đã đồng ý cho họ ly hôn và người vợ buộc phải bồi thường .

Một người đàn ông khác phát hiện vợ mình có dấu hiệu ngoại tình, đã đem con gái 2 tuổi đi xét nghiệm ADN. Khi biết không phải con mình, anh đã kiện vụ việc lên toà án quận Du Thuỷ (Tân Dư, Giang Tây). Toà phán quyết anh được bồi thường 43.200 tệ (148 triệu đồng).

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
    Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh lực: văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước của VHNT 3 thành phố, có thể thấy rõ những thành tựu và cả những mặt hạn chế tồn tại cần phải thay đổi để tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá.
  • Độc đáo “ngõ cổng vòm” giữa lòng Thủ đô
    Thời gian gần đây, ngách 5/1 phố Từ Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) trở thành một địa điểm check-in, chụp hình quen thuộc của người dân Thủ đô. Với lối kiến trúc mộc mạc, con ngách đã trở thành một “góc xưa” giữa Thủ đô hiện đại.
  • Triển lãm "Hào khí Điện Biên - Một thiên sử vàng"
    Tư liệu, hình ảnh được tập trung vào 3 phần, gồm: “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, “Cuộc chiến 56 ngày đêm chấn động địa cầu”, “Quảng Nam - Đà Nẵng chia lửa cùng Điện Biên”.
  • Hà Nội mùa đông lịch sử
    Đêm Hà Nội những ngày tháng 12, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất ở mức 7-8 độ C, tôi trằn trọc trở mình trong chăn đệm êm ấm, rưng rưng lắng nghe những ca từ xúc động trong bài hát “Cảm xúc tháng Mười” vang lên từ ngôi nhà kế bên. Ngoài kia gió rít từng cơn thổn thức, những cảm xúc nghẹn ngào thôi thúc tôi dậy mở máy tính, xem lại những thước phim tư liệu về 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô của Hà Nội năm 1946. Từ hiện tại bình yên, tôi đã được trở về với mùa đông lịch sử của thành Rồng - một mùa đông giá buốt nhưng rực lửa.
  • Lệ Quyên mở màn chuỗi concert L'Amour show "Love in the cloud"
    Vừa qua, đêm nhạc của tình yêu đã được tổ chức trong không gian bồng bềnh như mây tại Hôtel de l'Amour Tam Đảo, với phần trình diễn của "nữ hoàng bolero" Lệ Quyên. Đây là chương trình mở màn cho chuỗi concert mang tên: L'Amour show "Love in the cloud".
Đừng bỏ lỡ
'Nuôi con tu hú' 3 năm, chồng đòi vợ bồi thường 100 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO