NSƯT Như Bình: Bền bỉ đồng hành cùng nghệ thuật múa

Thanh Hoa| 20/09/2018 18:23

Nhìn tác phong hoạt bát và cường độ làm việc của NSƯT Như Bình chẳng ai nghĩ ông đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”: Nhanh nhẹn, sôi nổi, trẻ trung nhưng vẫn mềm mỏng, uyển chuyển. Có lẽ ở cái tuổi 79, ít người làm múa có được sức vóc và cường độ làm việc dẻo dai, bền bỉ như ông, vẫn sáng tác - dàn dựng lanh lẹ và viết lách một cách đều đặn…

 Bén duyên với múa từ khi 14 tuổi - thời kì sơ khai thành lập của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương ở chiến khu Việt Bắc, năm 1953 (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Suốt những năm 50 của thế kỉ trước, ông là một trong những diễn viên múa thế hệ đầu tiên của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam góp mặt vào các tiết mục, tác phẩm múa làm nên danh tiếng của nhà hát, như: “Đốt pháo”, “Thầy thầy tớ tớ”, “Một ông hai bà”, “Đôi bờ”, “Theo cờ giải phóng”. Dấu chân của chàng diễn viên trẻ Như Bình thời ấy đã in dấu khắp các mọi miền Tổ quốc từ tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh đến chiến trường Lào và các vùng sâu vùng xa hiểm trở qua những lần cùng đoàn đi biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ ta trong những năm chiến tranh ác liệt. Là một diễn viên múa trẻ hoạt bát, năng nổ lại sớm bộc lộ khả năng sáng tác, dàn dựng nên ông được Bộ Văn hóa cử đi tu nghiệp ngành nghệ thuật biên đạo tại Học viện Sân khấu quốc gia Matxcơva (Liên Xô cũ). Hai tác phẩm đầu tay “Mùa xuân hòa bình” và “Mùa xuân Tây Nguyên” của chàng sinh viên biên đạo Như Bình đã vinh dự được Đoàn nghệ thuật thiếu nhi Lốc Chép biểu diễn trong tuần lễ “Vì thiếu nhi Việt Nam” năm 1976 tại Moskva. 

NSƯT Như Bình: Bền bỉ đồng hành cùng nghệ thuật múa
Chăm chỉ học tập, tích lũy kiến thức từ quê hương Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại - cái nôi của nghệ thuật ba lê danh tiếng trở về, Như Bình tham gia sáng tác, biên đạo liên tục, không ngừng nghỉ suốt từ đó đến nay. 

Đã từng dàn dựng và làm tổng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật lớn của đất nước như: Tổng đạo diễn chương trình “Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ nhất” năm 1983, tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật chào mừng Quốc khánh lần thứ 40, lần thứ 50 tại Quảng trường Ba Đình năm 1985 và 1995, tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật kỉ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thật khó có thể liệt kê tường tận xem ông đã sáng tác, dàn dựng bao nhiêu tác phẩm cho múa chuyên nghiệp và phong trào, đã từng làm tổng đạo diễn và đạo diễn cho bao nhiêu chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ khắp trong nước và quốc tế.  

Tu nghiệp trở về khi đất nước chuẩn bị bước vào cơ chế đổi mới, nên dù là một nghệ sĩ múa hoạt động trong lĩnh vực chuyên nghiệp nhưng biên đạo múa Như Bình lại là người tiên phong trong các hoạt động nghệ thuật, ca múa phong trào… Trong các hội diễn của các công ty, các ngành nghề và cơ quan, đoàn thể như dầu khí, ngân hàng, tòa án đến ngành than, xây dựng, giáo dục… hiếm khi người ta thấy vắng mặt biên đạo múa Như Bình. Có thể nói, ít có biên đạo múa nào lại có mối liên hệ và mật độ phủ sóng dày đặc hầu khắp các lĩnh vực như ông. 

NSƯT Như Bình: Bền bỉ đồng hành cùng nghệ thuật múa
NSƯT Như Bình hướng dẫn múa Việt Nam tại Cung thiếu nhi Moskva.
Đối với phong trào nghệ thuật múa Thủ đô Hà Nội, NSƯT Như Bình cũng là người có công lớn trong công tác phục hồi các điệu múa cổ truyền Thăng Long, Hà Nội, phong trào múa thiếu nhi của Thủ đô. Và hiện nay, ông đang cùng với Ban Chấp hành Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội nỗ lực xúc tiến, triển khai cuộc thi “Tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam”. 

Khi được hỏi vì sao là một nghệ sĩ hoạt động múa chuyên nghiệp mà ông lại năng nổ trong lĩnh vực phong trào đến thế, NSƯT Như Bình chia sẻ: “Với tôi phong trào hay chuyên nghiệp đều hướng tới vẻ đẹp, hướng tới sự lan tỏa và cố kết cộng đồng. Song phong trào lại là nơi khởi phát và nhen nhóm tình yêu nghệ thuật một cách dung dị, tự nhiên nhất; là bệ đỡ ươm mầm và hun đúc tài năng nghệ thuật múa hòa nhập cùng cư dân và cộng đồng một cách phổ quát, sâu rộng.”  

NSƯT Như Bình còn được bạn bè quốc tế tin yêu, mến mộ và biết đến như một sứ giả văn hóa qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và kết nối nghệ thuật múa, kết nối văn hóa dân tộc, cộng đồng người Việt với nhiều nước bạn, như Nga, Séc,  Đức,… Ngay từ khi còn là một biên đạo múa trẻ, nghệ sĩ múa Như Bình đã được Ban đối ngoại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mời làm Tổng đạo diễn trong chương trình nghệ thuật “Gặp gỡ thanh niên Việt – Xô” năm 1979; làm tổng đạo diễn chương trình Festival thanh niên thế giới lần thứ XII, năm 1985 tại sân vận động Lê Nin (Liên Xô); từ năm 2006 đến nay, ông nhiều lần được mời làm tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật của cộng đồng người Việt tại Thủ đô Praha, Cộng hòa Séc; gần đây nhất, năm 2017, NSƯT Như Bình cùng vợ vẫn còn đảm đương vai trò tổng đạo diễn trong chương trình nghệ thuật kỉ niệm Lễ giỗ tổ Vua Hùng lần thứ nhất tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức. 

Hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, từ là một diễn viên cần mẫn, nhiệt huyết cho đến vai trò biên đạo múa, NSƯT Như Bình đã đạt được rất nhiều bằng khen, giải thưởng, Huy chương Vàng, Bạc trong các hội thi, hội diễn ca múa nhạc toàn quốc và các kì, cuộc của Đảng và Nhà nước… Nhưng có một điều đặc biệt ở ông là dù hoạt động chuyên nghiệp hay phong trào, NSƯT Như Bình vẫn dành trọn tình cảm, tâm sức của một người nghệ sĩ rực cháy đam mê và khát khao cống hiến.  

Người ta cũng nhận thấy điều khác lạ ở người nghệ sĩ dù đã gặt hái nhiều thành tựu, đã kinh qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau cộng với biệt tài ngoại giao khó có ai bì kịp, ấy vậy nhưng tuyệt nhiên người ta không thấy ở ông sự cao ngạo, tự mãn mà ngược lại khi tiếp xúc, trò chuyện với ông, người đối diện luôn cảm nhận được một NSƯT Như Bình lạc quan, yêu đời với một tấm chân tình gần gũi, cởi mở. 

Châm ngôn có câu: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Có lẽ điều này thật đúng với NSƯT - Biên đạo múa Như Bình. Suốt từ thời trai trẻ đến nay, hình bóng người bạn đời chung thủy, tận tâm là bà Phương Châm – cựu đạo diễn truyền hình nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam luôn kề vai, sát cánh, giúp đỡ ông trong các công việc từ nhỏ đến lớn, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Giờ đây, dù đã lên ông, lên bà nhưng họ vẫn luôn có nhau trong bất cứ công việc hay sự kiện lớn nhỏ nào… Bà chính là trợ thủ đắc lực, là người bạn đồng hành và là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn nhất giúp ông vượt mọi trắc trở, khó khăn để chu toàn mọi việc và đạt được những thành tựu như ngày nay. 

Dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cả ông và bà đều không nề hà bất cứ việc gì, hễ ai cần “ới” một cái là ông bà sẵn sàng có mặt. Chả trách vì sao ông lại gắn bó với nghệ thuật quần chúng của nhiều ngành đến thế, vì sao bạn bè quốc tế lại tin cẩn, mến mộ ông đến vậy… Và có lẽ, đó cũng là lí do khiến NSƯT Như Bình và nghệ sĩ Phương Châm được ưu ái cho cho một sức khỏe dẻo dai để đồng hành bền bỉ cùng nghệ thuật múa Việt Nam. 
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Bùi Thế Đức
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Bùi Thế Đức.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Xuân Hải
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Xuân Hải.
  • Chùm thơ của tác giả Giang Đăng
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Giang Đăng.
  • Sau mưa
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Sau mưa của tác giả Đặng Huy Giang.
  • Câu thơ em thả lên trời
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Câu thơ em thả lên trời của tác giả Quang Hoài.
  • Trong tôi ước nguyện…
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trong tôi ước nguyện… của tác giả Nguyễn Thị Mai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tìm kiếm kịch bản điện ảnh kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng
    Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030), Cục Điện ảnh triển khai chương trình đầu tư chiều sâu nhằm tạo nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh.
  • Khám phá hành trình nghệ thuật của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
    Sáng ngày 11/4/2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Hành trình Huỳnh Phương Đông”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình họa sĩ tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 100 năm ngày sinh chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông (22/4/1925 – 22/4/2025), .
  • Đặc sắc phim tài liệu “Vượt sóng: Câu chuyện về thành phố 50 năm mùa hoa nở”
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt, giới thiệu đến khán giả series phim tài liệu “Vượt sóng: Câu chuyện về thành phố 50 năm mùa hoa nở”.
  • [Podcast] Chùa Non Nước – Nơi hội tụ giá trị tâm linh, lịch sử của Thủ đô Hà Nội
    Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những công trình cổ kính nơi phố thị mà còn ẩn chứa những ngôi chùa linh thiêng giữa núi rừng xanh ngát. Một trong những ngôi chùa mang đậm dấu ấn tâm linh, gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng và lịch sử dân tộc chính là Chùa Non Nước – một danh thắng tọa lạc trên núi Sóc, huyện Sóc Sơn. Chùa Non Nước được hình thành từ thời Đinh, sư trụ trì chùa đầu tiên là Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (933 - 1011) - hậu duệ của Ngô Quyền và là vị Quốc sư được triều đình nhà Đinh, Tiền Lê và Hậu Lý kính trọng.
  • Hai bệnh viện lớn nhất Việt Nam ký kết hợp tác y tế giai đoạn 2025 - 2030
    Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Bạch Mai ký kết hợp tác hướng đến nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân và phát triển vươn tầm khu vực, quốc tế.
Đừng bỏ lỡ
NSƯT Như Bình: Bền bỉ đồng hành cùng nghệ thuật múa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO