Chặng đường 35 năm (8/5/1985 - 8/5/2020) của báo Người Hà Nội sẽ được khép lại với mốc son mới khi báo Người Hà Nội chuyển đổi thành tạp chí theo tinh thần Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bước vào một hành trình mới với không ít những khó khăn thách thức, làm thế nào để tạp chí Người Hà Nội tiếp tục định hình được bản sắc riêng đó cũng là kỳ vọng của lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Trong số báo đặc biệt kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, phóng viên báo Ngư
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội PV: Thưa NSND Trần Quốc Chiêm, là người đã đồng hành với các văn nghệ sĩ Thủ đô trong nhiều năm công tác, giờ đây lại đảm trách cương vị “nhạc trưởng” của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, chắc hẳn ông luôn dõi theo những hoạt động của báo Người Hà Nội – cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nội dung, hình thức cũng như các hoạt động của báo Người Hà Nội trong thời gian qua?
NSND Trần Quốc Chiêm: Với tôi, Người Hà Nội là tờ báo thân thiết mà tôi luôn đón đọc trong nhiều năm qua, từ khi là Ủy viên BCH Hội Sân khấu Hà Nội, ủy viên BCH Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho tới nay là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Có thể khẳng định, trong suốt quá trình phát triển, báo Người Hà Nội luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích - là cơ quan ngôn luận của văn nghệ sĩ Thủ đô. Báo luôn phản ánh kịp thời các hoạt động trọng yếu của thành phố, thông tin sinh động các hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; bám sát các vấn đề của đời sống xã hội, văn hóa ở Thủ đô, thậm chí còn mở rộng thông tin về các địa phương trong cả nước; thường xuyên phản ánh, tôn vinh các tập thể cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo và biểu diễn văn học nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, phát triển văn hóa giáo dục... Bên cạnh việc giới thiệu các sáng tác trong lĩnh vực văn học cũng như các ngành nghệ thuật, báo còn là diễn đàn nghệ thuật khá ấn tượng khi có nhiều bài lý luận phê bình cũng như tin tức, bài viết phản ánh kịp thời hoạt động của 9 hội chuyên ngành: Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian, Văn học, Nhiếp ảnh, Múa.
Báo đã xây dựng được nhiều chuyên trang - chuyên mục phong phú như: Thời sự, Truyện ngắn, Thơ, Ký, Tản văn, Người tốt việc tốt, Văn học nước ngoài, Sáng tạo cống hiến, Văn hóa dân gian Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội qua ống kính nhiếp ảnh… trên cơ sở đó đảm bảo được tính thời sự cũng như tính chuyên ngành của một tờ báo văn học nghệ thuật, cổ vũ những nhân tố mới, tạo ra sân chơi bổ ích không chỉ riêng đối với các hội viên trong Hội. Ở thời điểm nào báo cũng ý thức việc truyền tải thông tin bằng bút pháp sáng tạo văn học nghệ thuật là phương tiện truyền tải có sức thu hút sâu sắc và bản chất nhất. Do vậy báo đã phát huy được hiệu quả, tạo được chỗ đứng trong lòng bạn đọc không chỉ ở Thủ đô mà còn vươn xa ra cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, cùng sự lấn lướt của báo điện tử và các trang mạng xã hội thì một ấn phẩm báo giấy để tồn tại được đã là khó huống chi với một tờ báo đặc thù là tờ báo văn nghệ như báo Người Hà Nội phải tự chủ hoàn toàn về kinh tế. Vì thế, tôi đánh giá cao sự nỗ lực hết mình của cán bộ, phóng viên báo Người Hà Nội trong thời gian qua khi không chỉ tích cực cải tiến hình thức, nâng cao chất lượng nội dung mà còn tìm nhiều cách truyền thông thương hiệu “báo Người Hà Nội” thông qua việc tổ chức các cuộc thi viết (Hà Nội trong trái tim em, Ký phóng sự Hà Nội đổi mới và phát triển), thi và triển lãm ảnh (Nụ cười Hà Nội, Vì cuộc sống bình yên, Mái ấm gia đình Việt…) các cuộc hội thảo (Báo chí với việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội, Diễn đàn văn hóa doanh nghiệp...), cùng nhiều chương trình an sinh xã hội (Xuân ấm vùng cao - Tình yêu Người Hà Nội, Khúc quân hành, Tôn vinh thương hiệu truyền thống gia truyền nổi tiếng, Doanh nhân với cộng đồng…).
PV: Theo tinh thần Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tới đây báo Người Hà Nội sẽ chuyển đổi mô hình thành tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật của thành phố. Nghệ sĩ có thể cho biết những nỗ lực của Thường trực Hội trong quá trình chuẩn bị để báo có bước chuyển đổi quan trọng này?
NSND Trần Quốc Chiêm: Thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Bộ Thông tin & Truyền thông và Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 2/1/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Đề án sắp xếp phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hà Nội đến năm 2025, trong đó báo Người Hà Nội sẽ chuyển đổi mô hình thành tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật của thành phố, Thường trực Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố như: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội để tiến hành làm đề án chuyển đổi mô hình từ báo Người Hà Nội thành tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật thành phố với tên gọi mới là tạp chí Người Hà Nội sau khi xin ý kiến của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp về tên gọi mới của tạp chí. Hội đã tiến hành rà soát về nhân sự, cơ sở vật chất của báo để lên phương án về nhân sự lãnh đạo của tạp chí trình Ban Chấp hành Hội thông qua. Dự kiến đến cuối năm 2020, đề án chuyển đổi mô hình từ báo Người Hà Nội thành tạp chí Người Hà Nội sẽ được Hội hoàn thành và báo cáo UBND Thành phố phê duyệt.
PV: Đến nay, báo Người Hà Nội đã trải qua 35 năm hình thành và phát triển. Việc chuyển đổi này theo nghệ sĩ sẽ đặt ra những khó khăn, thách thức gì?
NSND Trần Quốc Chiêm: Tất nhiên, việc chuyển đổi mô hình từ báo sang tạp chí sẽ gây nhiều khó khăn, thách thức với Người Hà Nội. Từ một ấn phẩm báo in ra đều đặn 1 tuần/số sẽ chuyển thành ấn phẩm tạp chí ra 1 tháng/số; hình thức và nội dung cũng thay đổi theo yêu cầu của tạp chí văn học nghệ thuật; nhân sự của tạp chí cũng phải tinh giảm biên chế (hiện nay báo có 17 cán bộ phóng viên) sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động cũng như tâm lý của cán bộ phóng viên. Việc tổ chức, cơ cấu lại tòa soạn sao cho ổn định; tổ chức nội dung sao cho đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích của tờ tạp chí văn học nghệ thuật… sẽ đặt ra nhiều thách thức với cả lãnh đạo cũng như cán bộ và phóng viên Người Hà Nội, đòi hỏi sự nỗ lực, năng động, đổi mới sáng tạo.
PV: Theo ông, sau khi chuyển đổi thành tạp chí Người Hà Nội cần phải đẩy mạnh hoạt động ra sao để có thể định hình được bản sắc riêng cũng như bắt nhịp được với xu hướng của báo chí hiện đại?
NSND Trần Quốc Chiêm: Sau khi chuyển đổi thành tạp chí, Người Hà Nội cần phát huy thế mạnh, chủ động đổi mới nâng cao chất lượng ấn phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Tạp chí Người Hà Nội cần hướng mạnh hơn tới các vấn đề của văn học nghệ thuật, đời sống văn hóa người Hà Nội qua các chuyên trang, chuyên mục như: Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Lý luận phê bình, Sáng tác chuyên đề, Văn nghệ nước ngoài, Người Hà Nội văn minh - thanh lịch, Chân dung văn nghệ sĩ… qua đó truyền tải sâu rộng các mặt của đời sống văn học nghệ thuật, những nét đẹp, giá trị văn hóa của người Hà Nội. Bên cạnh đó Người Hà Nội cũng cần tiếp tục đổi mới sáng tạo về hình thức trình bày và nội dung thể hiện sao cho các thông tin kịp thời, tin cậy, thực sự là diễn đàn, là sân chơi của các văn nghệ sĩ Thủ đô.
Với số lượng gần 4000 hội viên đang hoạt động trong 9 hội chuyên ngành của Hội, việc phản ánh và truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới văn nghệ sĩ Thủ đô là rất cần thiết. Tạp chí in phần nào hạn chế tính thời sự của thông tin tuyên truyền cho nên cần nâng cấp hoạt động tạp chí Người Hà Nội điện tử để thông tin nhanh chóng kịp thời các hoạt động trọng yếu của thành phố và các cấp ngành đến các hội viên và độc giả…
Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và sự nỗ lực của tập thể cán bộ phóng viên Người Hà Nội tới đây tờ tạp chí Người Hà Nội sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, là ấn phẩm được bạn đọc cả nước yêu mến; tiếp tục góp phần phát huy tiếng nói của văn học nghệ thuật trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa Người Hà Nội.
Xin trân trọng cảm ơn NSND Trần Quốc Chiêm!