NSNA Đặng Đình An: Biết trước cuộc chia ly sẽ đến

Hoàng Kim Đáng| 23/06/2021 15:21

NSNA Đặng Đình An: Biết trước cuộc chia ly sẽ đến

Đúng 15 giờ 55 phút ngày 17/5/2021, sau khi gia đình loan tin buồn: Nhà báo, nghệ sĩ Đặng Đình An đã trút hơi thở cuối cùng, lập tức hàng loạt tin chia buồn, phân ưu từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Tây Nguyên… của người thân, bạn bè đồng nghiệp là nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ… được gửi tới gia đình nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Đặng Đình An, đương kim là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội. Năm 1954, khi đoàn quân Việt Minh từ núi rừng Việt Bắc tiến về giải phóng Thủ đô “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…” thì cậu bé Đình An ra đời tại phủ Từ Sơn - Bắc Ninh.

Tuy cầm tinh con ngựa nhưng Đình An không hề “bất kham”, ngược lại anh mang cốt cách hào hoa, phong nhã của chàng trai vùng Kinh Bắc. Đặng Đình An là người như thế. Anh sinh ra không phải để làm lãnh đạo. Học báo chí ở nước ngoài, trở về nước anh làm phóng viên của Báo ảnh Việt Nam, cùng thế hệ với Mạnh Thường, Vũ Huyến, Chu Chí Thành, Vinh Quang, Tiến Dũng, Nguyễn Văn Thành… Là phóng viên chuyên viết và chụp ảnh phóng sự cho Báo ảnh Việt Nam nên Đình An có điều kiện tiếp xúc rộng, được bạn bè và bạn đọc yêu mến.

Năm 2007, khi tạp chí Nhiếp ảnh khuyết người phụ trách, anh được điều động sang làm Phó Tổng biên tập, rồi Phó Tổng biên tập phụ trách. Hồi mới về nhận nhiệm vụ, tạp chí đang gặp khó khăn lớn: giá giấy in lên quá đắt, công in cao, lại không còn khoản kinh phí hỗ trợ như trước nữa… có lúc Đặng Đình An gần như phát khóc. Anh tâm sự: “Tình hình này em đành phải đầu hàng thôi, vô phương cứu chữa!”. Bạn thân thương mến và cảm thông động viên: “Với đức tính hiền lành dễ mến vốn có, tin rằng Đình An sẽ có nhiều người giúp, yên tâm đi!”. Quả thực như vậy. Thông cảm với khó khăn của Đình An, đa số cộng tác viên “ruột” tiếp tục viết bài, đăng ảnh mà không lấy nhuận bút. Có bạn có tiềm lực kinh tế mạnh, sẵn sàng cho mượn kinh phí lâu dài, số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để tạp chí có tiền tiếp tục ra đều đặn hàng tháng. Khó khăn dần dần cũng vượt qua, và Đình An gắn bó với tạp chí trên cương vị Phó Tổng biên tập phụ trách dài đến 7 năm, rồi mới nghỉ hưu (2007 - 2014).

Năm 2011, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức Đại hội V tại rạp Công nhân ở phố Tràng Tiền. Đặng Đình An trúng cử Ủy viên Ban chấp hành, được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội. Một tin vui nữa: anh lại trúng cử Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội! Thật là bất ngờ và vui mừng khôn xiết. Vui mừng đấy nhưng Đặng Đình An phải gồng lên, gánh cả hai vai phụ trách: vừa điều hành tạp chí Nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vừa điều hành hoạt động một hội nghệ thuật địa phương vào loại lớn nhất cả nước, trong khi kinh phí hoạt động cũng chẳng đáng là bao. Có những cuộc tiếp khách đến thăm hội, từ thành phố Hồ Chí Minh ra, Đình An lẳng lặng bỏ tiền túi ra thanh toán. Sáng mồng 5 ngày Tết Âm lịch hàng năm Đình An đến trực để tiếp hội viên. Sau lời chúc Tết, kèm theo phong bì “lì xì”. Mỗi phong bì không nhiều nhưng cái tình thì lớn. Đình An là thế!

Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Đình An đã xác định rõ: Sáng tác, triển lãm và lý luận phê bình là 3 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hoạt động Hội. Triển lãm đầu tiên được tổ chức mang tên: “Cảm xúc Hà Nội” khá thành công. Báo chí viết bài chào mừng: “Nhiếp ảnh Hà Nội đang khởi sắc” bắt đầu từ “Cảm xúc Hà Nội”.

Năm 2012, cuộc thi và triển lãm lần thứ 42 với chủ đề “Hà Nội thành phố vì hòa bình” được phát động. Hôm khai mạc triển lãm, người xem chật ních… tiếp tục minh chứng cho sự khởi sắc của nhiếp ảnh Hà Nội. Trong nhiệm kỳ V do Đặng Đình An điều hành, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội liên tiếp tổ chức nhiều cuộc thi và triển lãm, tổ chức cho các đoàn hội viên đi sáng tác ở Đại Lải, Sa Pa, Bắc Hà, Thanh Hóa, vịnh Hạ Long… đồng thời còn thành lập cả Ban lý luận phê bình, tổ chức hội thảo, xuất bản cuốn sách lý luận phê bình “Nhiếp ảnh - những vấn đề lý luận và thực tiễn” mang tầm cỡ quốc gia. Hội còn đứng ra trợ giúp cho tác giả Nguyễn Đức Chính (TP. Hồ Chí Minh) xuất bản cuốn sách: “Hà Nội - Cái nôi của nhiếp ảnh Việt Nam”. 

Sang nhiệm kỳ VI (2016 - 2020), Đình An nhận thấy sức khỏe của mình “có vấn đề” nhưng anh vẫn rất nỗ lực khi tiếp tục được tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội thêm khóa nữa. Đại hội Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khóa XII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đình An trúng cử Ủy viên Ban chấp hành và được Ban chấp hành bầu là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Phát huy kết quả nhiệm kỳ trước, các ban chuyên môn nhiệm kỳ này của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội được kiện toàn, hoạt động nhanh chóng đi vào nề nếp, gồm: Ban sáng tác triển lãm, Hội đồng nghệ thuật, Ban lý luận phê bình, Ban công tác hội viên và Ban kiểm tra đang hoạt động tốt. Hội đã thực sự lớn mạnh. Từ 72 hội viên thời đầu của nhiệm kỳ I, nay lên đến 408 hội viên được tổ chức thành 14 chi hội và 21 câu lạc bộ trải khắp nội ngoại thành Hà Nội.

Chưa hết nhiệm kỳ, Đình An đã điểm thấy có tới gần 20 cuộc triển lãm ảnh lớn nhỏ, chưa kể nhiều cuộc phối hợp với các cơ quan, ban ngành khác. Nhiều hoạt động sáng tác triển lãm được tổ chức nhưng mới hơn là mở ra cuộc thi và liên hoan ảnh nghệ thuật, quy tụ các câu lạc bộ ảnh trực thuộc nhằm đẩy phong trào lên một tầm cao mới. Đáng kể hơn là tổ chức tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu của 22 nghệ sĩ lão thành có thành tựu, hình thành một cuộc triển lãm bề thế mang tên “Những bức ảnh đi cùng năm tháng”. Đây là bước sưu tầm tuyển chọn tác phẩm, tiến tới huy động tổng lực các tác phẩm tiêu biểu của hội viên nhiếp ảnh Hà Nội qua các thế hệ nối tiếp thành một gia tài tác phẩm to lớn, đồ sộ của nhiếp ảnh Hà Nội qua những chặng đường lịch sử.

Phong trào của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội đang lên thì sức khỏe Đình An ngày càng xuống. Bạn bè biết chuyên môn chữa trị thường xuyên đến bấm huyệt cho Đình An mong cho anh tiếp tục khỏe. Nhưng mọi biện pháp điều trị dường như đều không hiệu quả. Đình An tiếp tục đến gõ cửa các bệnh viện, tìm thầy, tìm thuốc cứu chữa nhưng cũng vô vọng. Biết được sức mình đến đâu, Đình An chuẩn bị một báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khá kỹ lưỡng cho Đại hội sắp tới, phòng khi…

Một đêm mưa cuối tháng 10/2020, anh điện thoại cho tôi: “Đình An đã làm xong bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VI, gửi chuyển phát nhanh để nhờ anh xem và góp ý nhé. Chào anh!” Sau đó chỉ đôi lần điện thoại vắn tắt cử tôi và Trần Đương tham dự hội thảo khoa học của thành phố, của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và rồi việc gì đến đã đến: Đình An đã từ giã cõi đời để trở về với cõi vĩnh hằng.

Đình An mất, nhưng còn mãi trong lòng bạn bè, đồng nghiệp. Nhiếp ảnh Hà Nội sẽ ghi nhớ những cống hiến mà anh đã để lại cho phong trào nhiếp ảnh Thủ đô như hôm nay. Xin vĩnh biệt, vĩnh biệt Đình An một lần nữa! 
(0) Bình luận
  • Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
  • Trao 80 di ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Ninh Bình
    Trong không khí trang nghiêm và xúc động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2025); vừa qua, Hội Cựu Công an Nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình, phối hợp với “Trái tim người lính Việt Nam,” đã tổ chức Lễ trao Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ CAND và Anh hùng – Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình, như một hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
  • Trưng bày “Gan vàng dạ sắt”: Thế hệ trẻ thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
    Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội) tổ chức trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Đây là sự kiện không chỉ gợi nhắc ký ức hào hùng mà còn lan tỏa niềm tự hào, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
  • 29 tác phẩm xuất sắc nhận giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7
    Sáng ngày 29/11, sự kiện khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Các tác phẩm trong festival phản ánh đa dạng thực tế cuộc sống và cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ trước các vấn đề trong cuộc sống, xã hội đương đại.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
NSNA Đặng Đình An: Biết trước cuộc chia ly sẽ đến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO