Gạo sạch, đảm bảo chất lượng với giá trị dinh dưỡng cao kèm theo quy trình sản xuất thân thiện với môi trường đã trở thành thương hiệu của nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội.
Không ngừng mở rộng sản xuất
Vào năm 2012, dưới sự giúp đỡ của Dự án có tên gọi “Nâng cao năng lực sản xuất cho hộ nông dân” (PAMCI) do Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai, nông dân thôn Thượng Phúc đã thử nghiệm mô hình trồng lúa hữu cơ trên 2 ha đất của 9 hội viên tham gia tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trồng trọt với 14 tiêu chuẩn do tổ chức JICA đặt ra và đem lại kết quả tốt với những mẻ lúa Bắc thơm số 7 sạch sẽ, thơm ngon không chất độc hại...
Nhìn thấy kết quả tốt từ mô hình, cũng như sự động viên của những hội viên tham gia sản xuất lúa hữu, đến năm 2013 có 22 hội viên tham gia. Năm 2015, mô hình được nhân rộng trên diện tích 15ha với 70 hội viên tham gia. Bằng nỗ lực, học hỏi không ngừng, đến nay diện tích trồng lúa hữu cơ của thôn đã lên tới 20 ha với sự tham gia của tất cả các hộ dân (khoảng hơn 90 hội viên), mọi người đều tự hào với sản phẩm lúa mang lại trên thị trường. Việc tất cả các thửa ruộng tham gia sản xuất như vậy không những tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau tăng gia sản xuất mà còn tránh được sự ô nhiễm của những thửa ruộng sản xuất thường (có sử dụng chất hóa học) lan sang mô hình hữu cơ, làm giảm chất lượng.
Đến đầu thôn, ta dễ dàng bắt gặp cánh đồng rộng mênh mông, đất đai tơi xốp màu mỡ và đâu đó trên bờ ruộng có những gò nổi lên. Quan sát gần hơn thì sẽ biết đó là những đống phân hữu cơ được người dân ủ làm phân bón cho lúa, phân ủ càng lâu thì chất lượng càng tốt, nên lúc nào trên cánh đồng cũng có những đống phân ủ sẵn sàng như vậy.
Anh Lê Trọng Quỳnh – Trưởng nhóm nông dân trồng lúa hữu cơ cho biết: “Với mong muốn bảo vệ môi trường, mang đến cho người tiêu dùng loại gạo sạch, an toàn cho sức khỏe, chúng tôi đã cùng nhau sản xuất, làm theo hướng dẫn của chuyên gia. Các hộ dân tham gia kiểm tra chéo, có sổ nhật ký ghi chép cẩn thận về quy trình sản xuất, để khi có vấn đề gì xảy ra sẽ tìm đến được tận nơi người chịu trách nhiệm. Nguồn nước sử dụng luôn được lọc qua than hoạt tính, phân sử dụng là phân hữu cơ, ủ 2 – 3 tháng trước khi bón xuống ruộng. Chúng tôi nghiêm cấm các sản phẩm hóa chất xuất hiện trên cánh đồng để đảm bảo sạch sẽ đến mức tối đa”.
Sau khi quạt, sàng sảy, thì người dân tiếp tục nhặt gạo bằng biện pháp thủ công rất tỉ mỉ.
Thương hiệu gạo hữu cơ Thượng Phúc
Sau mỗi vụ, gạo được làm sạch theo quy trình khép kín, thanh tra chất lượng rồi đóng gói mang đến cho người tiêu dùng. Tất cả quy trình được lưu trữ trong cuốn nhật ký gieo trồng của nhóm và được giữ trong 3 năm. Khi đến kho trữ gạo thì dễ dàng nhìn thấy nhưng cuốn nhật ký dày dặn, ghi rõ ràng tỉ mỉ ngày tháng sản xuất, người chịu trách nhiệm từng khâu. Sản phẩm gạo hữu cơ của vùng đã được đăng kí nhãn hiệu, bao bì rõ ràng để tạo sự an tâm cho khách hàng.
Nông dân trồng lúa thôn Thượng Phúc luôn phấn khởi và tự hào bởi những bông lúa sạch mình làm ra. Bà Nguyễn Thị Mười (đội 3, thôn Thượng Phúc) chia sẻ: “Chúng tôi trồng lúa hữu cơ tuy mất nhiều công chăm sóc hơn nhưng cầm trên tay bông lúa sạch thì cũng bõ công. Gạo bán ra được giá hơn rất nhiều so với cách sản xuất thông thường”.
Trung bình giá gạo sạch bán ra khoảng 30.000đ/ 1kg, người dân Thượng Phúc thu về 155 triệu đồng/ 1ha, gấp 3 lần so với sản xuất thông thường. Đời sống người dân được cải thiện hơn trước.
Được thành quả như hiện nay, nông dân thôn Thượng Phúc đã trải qua thời kỳ đầu với nhiều gian nan, kinh nghiệm sản xuất hữu cơ chưa có; nhiều lúc lúa sâu bệnh không được dùng thuốc hóa học sản lượng thấp khiến không ít người dân nản chí. Bằng sự quyết tâm bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, người dân thôn Thượng Phúc đã kiên trì đến cùng trong khi nhiều thôn bên cạnh đã bỏ cuộc.
Họ còn cho biết thêm khi đã có kinh nghiệm nhưng thiên thiên không tạo điều kiện thì cũng phải bó tay. Ví như vụ mùa năm ngoái, lúa bị sâu bệnh: 1 sào thu về 80 kg lúa, xay xát ra rồi nhặt gạo cả một buổi chỉ được 10 kg. Nhưng không vì thế mà họ nản chí, tất cả vẫn tiếp tục trồng, chăm sóc lúa tốt hơn và luôn mong sớm có một phương pháp sinh học giúp trị sâu bệnh, tránh thất thu.
Anh Quỳnh bày tỏ: “Ban đầu, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là thị trường tiêu thụ, có những lúc rất bế tắc, dự án phải mua lại gạo cho nông dân. Nhưng đến nay, gạo hữu cơ thôn Thượng Phúc đã đến với 3 miền Bắc - Trung - Nam, mọi người lan truyền nhau về loại gạo sạch nên quá trình tiêu thụ tốt hơn rất nhiều, thậm chí nguồn cung của chúng tôi không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường”.
Do chăm sóc bằng biện pháp hữu cơ trong 4 năm, đất ruộng của vùng Thượng Phúc trở nên tơi xốp và màu mỡ hơn trước, người dân còn tận dụng vụ đông đất trống, trồng thêm giống đậu tương hữu cơ thu về những hạt đậu sạch, tròn và mẩy với khoảng 27 triệu đồng/ 1 ha đậu tương.
Hiện giờ thôn Thượng Phúc gạo trắng, gạo lứt đầu ra luôn ổn định và người tiêu dùng cũng đang dần biết đến đậu tương hữu cơ ngon, bổ và sạch mà thôn đang triển khai gieo trồng. Nhiều khi lượng hàng đặt nhiều, người dân phải ngồi cả ngày ở kho để sàng, lọc gạo. Nhiều người hài hước chia sẻ: “Chúng tôi mang về phần tấm để ăn còn gạo đẹp mang đi bán. Có khi lấy gạo hữu cơ bán đi mua gạo thường về dùng”. Điều đó cũng là trăn trở của người nông dân để làm sao hạn chế được sâu bệnh cho năng suất lúa của vùng ngày càng tăng hơn trước, đồng thời có kinh phí trang bị máy móc phục vụ công tác xay sát, sàng lọc gạo trước khi đóng gói. Vì hiện nay, người dân vẫn dùng máy xát gạo thường để xát lúa hữu cơ, mỗi lần như vậy phải vệ sinh máy rất mất thời gian và công sức.
Hiện nay, nhóm cũng đang tư vấn, hỗ trợ cho các hộ dân ở thôn Hạ Dục, xã Đồng Phú tiếp nhận mô hình trồng lúa sạch, nhân rộng hơn nữa cách làm tốt, mang đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm gạo chất lượng hơn.
Với việc làm tích cực đó, nhóm nông dân luôn nhận được lời khen, động viên của UBND xã Đồng Phú, sự ủng hộ của Thành phố Hà Nội và trở thành mô hình trồng lúa hữu cơ duy nhất ở miền Bắc. Đồng thời trong năm 2016, thôn Thượng Phúc còn đón các nhóm học sinh, đặc biệt là học sinh Nhật Bản về nghiên cứu, học tập và trải nghiệm cách làm lúa hữu cơ. Điều này giúp lan truyền nhanh hơn về lợi ích mà mô hình mang lại.