Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, một trong những cộng sự gần gũi nhất của Bác Hồ, lúc sinh thời nói chuyện với các cán bộ làm việc trong cùng cơ quan như sau:
“Bác Hồ là người nhìn xa trông rộng, lúc nào cũng dự đoán được rất đúng những sự việc sẽ xảy ra... Thư chúc Tết của Người gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước năm nào cũng vậy, ngắn gọn, giản dị, súc tích, chân tình, đằm thắm và lạc quan yêu đời. Nội dung trong những lời thơ chúc Tết ấy còn thể hiện như những câu sấm, tiên đoán trước được những sự việc sẽ xảy ra, như những lời hịch kêu gọi đồng bào, chiến sĩ, cán bộ và nhân dân cả nước, luôn tiến lên trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Vào các dịp dân tộc đón xuân mới, là mỗi dịp Bác gặp gỡ dặn dò, chỉ bảo cán bộ chiến sĩ...”. Ông cho biết: “Tôi có một quyển sổ tay bìa cứng, trong đó tôi ghi lại được hết những bức thư và bài thơ chúc Tết của Bác Hồ từ năm Bính Tuất (1946) đến năm Kỷ Dậu (1969) khi Bác đi xa. Tôi đọc thơ chúc Tết của Bác và nghiền ngẫm lại thấy Bác thật sự là một nhà tiên tri. Tôi đã già, tuổi tác hạn chế trí nhớ, nhưng nghe lời Bác, tôi vẫn tiếp tục học, học nữa và học mãi để phục vụ nhân dân. Tôi học qua những bài học kinh nghiệm của năm tháng là học trò trung thành của Bác. Tôi học trong công tác hàng ngày, học trong cuộc sống và học trong sách vở, báo chí, không ngừng trau dồi tri thức để phục vụ nhân dân nhiều hơn và tốt hơn như Bác đã dạy”.
Đọc thơ xuân của Bác, ghi chép và ngẫm nghĩ về những dòng Bác viết, còn có rất nhiều người đã làm như cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Thật ra, thơ Bác Hồ trong mỗi dịp xuân về, như những cánh én bay, rộn ràng báo những tin vui, và điều đặc biệt là ta có thể tìm ra những điều Người suy nghĩ, dự báo trong đó. Chẳng hạn như trong bài thơ Chúc mừng năm mới - Xuân 1969:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì Độc lập, vì Tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
“Đánh cho Mỹ cút” nghĩa là trước hết phải đuổi hết Mỹ đi, sau đó mới “đánh cho Ngụy nhào” câu thơ của Bác đã như một lời chỉ đường cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám đã từng đi sâu phân tích bài báo “Chào xuân” của Bác Hồ, viết vào dịp Tết Giáp Thân (năm 1944). Ở phần I của bài báo này, Bác của chúng ta phác họa “những vẻ tốt tươi ấm áp, muôn hoa tươi thắm, ngàn lá tươi xanh”, thay cho “mùa đông lạnh lẽo, muôn vật tiêu điều”. Với tâm hồn thi sĩ, đầy lạc quan, Người viết: “Loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hóa, chẳng những hưởng thụ cái hạnh phúc khoái lạc của mùa xuân, và lại nhận cái không khí phồn vinh của ngày xuân để sắp đặt cái kế hoạch hoạt động và sống còn cho cả năm, nên tục ngữ có câu “nhất niên chi kế thủy ư xuân”... “Xuân chẳng những là ôn hòa tươi đẹp, mà lại chí công vô tư. Đã không riêng cho một hạng người nào, cũng không riêng cho một nơi nào”... Niềm lạc quan thể hiện cả ở sự so sánh: “Đón rước xuân này và đón rước mùa xuân trước, khác nhau nhiều lắm...”.
Cuối bài “Chào xuân”, Bác nhấn mạnh: “Đoán trước để xét sau, xem sự chuyển biến nói trên, thì chúng ta có thể nói rằng: Xuân này sẽ là xuân thắng lợi cho mặt trận phản xâm lược”.
Lời tiên đoán nói trên trở thành hiện thực như lịch sử đã ghi: năm 1944 là năm cách mạng toàn thế giới chuyển biến mạnh. Lực lượng quân Đồng minh đã tiến công và liên tục giành thắng lợi ở các mặt trận.
Và kết luận bài báo đáng nhớ ấy, Người kêu gọi:
“Xuân là xuân chung, vậy chúng ta phải gắng sức công tác thế nào cho Đồng minh hội chúng ta cũng có phần thắng lợi chung của Đồng minh lớn kia.
Vậy xin kết luận vài lời nôm na rằng:
"Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng.
Viết bài chào Tết, chúc thành công"
***
Tiếp đó, cho đến lúc đi xa, hầu như năm nào Bác cũng có thư và thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ, đem đến cho mọi người niềm tin tưởng, sự phấn khởi trước thắng lợi vẻ vang của cách mạng. Và đúng như cảm nghĩ của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng:
"Tôi đọc thơ chúc Tết của Bác và nghiền ngẫm lại thấy Bác thật sự là một nhà tiên tri". Tiên tri, vì bao giờ trong đó cũng thâu tóm, báo trước những mục tiêu lớn, cũng giúp đồng bào và chiến sĩ thấy được tình thế mới của cách mạng. Bên cạnh đó, hay hòa vào đó, là niềm vui sống, là tinh thần lạc quan của nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh.
Năm 1961, cách mạng nước ta tiến lên chặng mới: mở đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Câu thơ mừng xuân của Bác như mở ra một chân trời rộng lớn:
"Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh"
Phấn khởi hướng tới ngày mai vô cùng tốt đẹp, Bác kêu gọi miền Bắc càng hăng hái thi đua, miền Nam càng đoàn kết tiến tới. Xuân 62 (Nhâm Dần), Xuân 63 (Quý Mão), Xuân 64 (Giáp Thìn) cũng vậy. Nhưng đã thấy những ngày vui đang đến, mỗi xuân một thêm gần:
Xuân Ất Tỵ 1965, Bác chỉ ra:
“Miền Nam kháng chiến ngày càng thắng lợi” và tin chắc:
“Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công”
Xuân 1967 được dự đoán là “hơn hẳn mấy xuân qua”, nhưng sang 1969, lại “chắc càng thắng to". Đó là năm cuối cùng của đời Bác, sức khỏe của Người giảm nhiều, nhưng trước tương lai tốt đẹp của đất nước, Người như khỏe ra, lời thơ càng rộn ràng, nhịp điệu thơ thật náo nức, lời chúc của thơ xuân càng đượm nhiều ý tưởng tiên tri.