Những góc nhìn chân thực về chiến tranh cách mạng

Khánh Thư| 28/07/2017 16:38

Gần 50 tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tới công chúng. Triển lãm "Những năm tháng không quên" diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 20 đến 30/7/2017 là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017.

Đông đảo công chúng có mặt tại phòng triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã bồi hồi xúc động khi xem những tác phẩm trong bộ sưu tập của Bảo tàng có chủ đề về chiến tranh cách mạng. Hà Nội những năm đánh Mỹ (Kim Thái), Đánh chiếm Bắc Bộ phủ (Trần Đình Thọ), Chiến thắng B52 (Đinh Trọng Khang), Thủ đô kháng chiến (Quang Phòng), Trận mở màn trên đồng nước (Huỳnh Phương Đông)… đưa người xem trở lại với không khí của những năm bom đạn, với cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân ta. Đêm hậu cứ (Hoàng Tích Chù), Mở đường ngầm (Tôn Đức Lượng), Ngọn đèn không tắt (Dương Tuấn), Tập kết (Nguyễn Hiêm), Hơ áo chiến sĩ (Văn Giáo), Trên bãi tập (Nguyễn Sỹ Tốt), Tình quân dân (Hoàng Anh)… là những khoảnh khắc chân thực về cuộc chiến, là những phút giây ấm áp tình đồng đội, quân dân. Một số tác phẩm khác như: Kết nạp Đảng trong tù (Nguyễn Đức Nùng), Tiếng hát mùa chiến dịch (Mai Văn Hiến), Sau một trận đánh (Nguyễn Hoàng)… lại cho thấy niềm lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của dân tộc và tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta. Bên cạnh đó những khoảng lặng sau cuộc chiến với những đau khổ, mất mát hy sinh, chịu đựng của con người đặc biệt là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương cũng đã được thể hiện trong tác phẩm: Căm thù (Nguyễn Văn Tỵ), Anh thương binh (Phạm Việt Hải), Ca mổ trong hang sơ tán (Ngọc Hải), Tấm lòng người mẹ (Đỗ Sơn)…

Những góc nhìn chân thực về chiến tranh cách mạng
Tác phẩm “Dân quân Tây Nguyên tiếp đạn” của họa sĩ Hồng Chinh Hiền
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ đã lâu lắm rồi ông mới được ngắm lại những tác phẩm của các thế hệ họa sĩ đi trước, của những người đồng nghiệp. “Qua triển lãm này, thế hệ trẻ có thể hiểu được phần nào về cuộc chiến cũng như những đóng góp của các thế hệ cha anh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc” - họa sĩ Trần Khánh Chương bày tỏ.

Nhà lý luận phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cũng không giấu được niềm xúc động khi đến với triển lãm: “Tác phẩm nào cũng gợi cho tôi về quá khứ, về ký ức, về cuộc chiến của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc”. Là người trong Hội đồng tuyển chọn tranh của Bảo tàng Mỹ thuật vậy nên những tác phẩm này đối với bà đều quá quen thuộc. Bà chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu rất kỹ và thấy được vị trí, vai trò của từng họa sĩ trong dòng chảy của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm đều là những tác phẩm tiêu biểu cho đề tài chiến tranh cách mạng. Không chỉ có giá trị nghệ thuật mà các tác phẩm này còn có ý nghĩa, dấu ấn lớn trong lịch sử mỹ thuật nước nhà.”

Tác giả của những tác phẩm trong triển lãm “Những năm tháng không quên” là những thế hệ họa sĩ đã trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, từ những thế hệ họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như: Tô Ngọc Vân, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ, Quang Phòng đến những họa sĩ thuộc thế hệ kế tiếp như: Hà Xuân Phong, Đỗ Sơn, Lê Trí Dũng, Lê Duy Ứng… Có người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, có người còn sống và đang mang trong mình những vết thương nơi lửa đạn… Vì đã trải qua cuộc chiến nên các tác giả đều thấu hiểu sự khốc liệt của chiến tranh cũng như những khổ đau, mất mát hy sinh của quân và dân ta. Bởi vậy mỗi tác phẩm dù được thể hiện bằng các chất liệu khác nhau, ở những khoảng không gian, thời gian khác nhau, nhưng đều có điểm chung đó là sự rung cảm của người nghệ sĩ trước thực tế cuộc sống, cuộc chiến tranh mà họ đã đi qua. 

Những góc nhìn chân thực về chiến tranh cách mạng
Tác phẩm “Tiếng hát mùa chiến dịch” của họa sĩ Mai Văn Hiến
Bằng bút pháp hiện thực đôi lúc phóng khoáng, với cách nhìn bao quát và sự linh hoạt trong cách sử dụng ngôn ngữ tạo hình các họa sĩ đã mang đến cho người xem những góc nhìn chân thật về chiến tranh, về những ký ức hào hùng của dân tộc, về sự hy sinh, mất mát do chiến tranh để lại qua những tác phẩm nghệ thuật. 

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Dưới góc nhìn của người nghệ sĩ – chiến sĩ, triển lãm "Những năm tháng không quên" là sự bày tỏ quan điểm trân trọng hòa bình, nhớ ơn những người đã anh dũng hy sinh để mang đến cuộc sống bình yên, tươi đẹp cho chúng ta ngày hôm nay. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta tri ân tới những thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã tham gia kháng chiến, đã anh dũng hy sinh hay vẫn còn mang trên mình vết thương do chiến trường để lại”. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Những góc nhìn chân thực về chiến tranh cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO