Nhức nhối “vấn nạn” thi chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ “Biên chế”

Hằng Lê| 21/05/2019 11:11

Xuất phát từ một chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính Phủ, của ngành giáo dục, các kỳ thi ngoại ngữ đã bị bóp méo, dối trá một cách đáng sợ và vô hình chung đã mang lại nguồn thu “Khủng” cho các đơn vị tổ chức. Chất lượng đào tạo của nền giáo dục đã bị khai thác một cách “biến tướng” đã và đang là những “vấn nạn gian dối” nhức nhối của xã hội

Từ yêu cầu khách quan

Với mục đích nâng cao chất lượng đầu vào cho công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực nhà nước. Từ nhiều năm nay Chính Phủ đã đưa ra yêu cầu bắt buộc công chức, viên chức phải có chứng chỉ ngoại ngữ ở một trình độ nhất định. Ngày 29/11/2018 theo nghị định 161/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hơp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lâp. Tại nghị định có chỉ ra nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển được thực hiện qua 2 vòng thi. Vòng 1 thi trắc nghiệm, vòng 2 thi nghiệp vụ chuyên ngành. Trong đó, phần thi ngoại ngữ là nội dung bắt buộc trong vòng thi trắc nghiệm và là khâu quan trọng để hoàn thiện hồ sơ thi công chức.

Trên thực tế, việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay phần lớn chỉ mang tính hình thức, dễ dàng “mua” được mà thí sinh không cần thi, hoặc thi theo “hình thức” gọi là cho có, dễ dàng đạt được mà không phản ánh đúng thực chất trình độ của thí sinh tham gia kỳ thi. 

Đến “biến tướng của những kỳ thi”

Qua tìm hiểu phóng viên được biết có trường đại học được xem như đơn vị tổ chức thi, cấp chứng chỉ lớn nhất hiện nay được Bộ Giáo dục đào tạo (GD&ĐT) cấp phép cho những người có nhu cầu thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Chỉ việc đăng ký, nộp lệ phí thi, 2 ảnh 3x4 là thí sinh đã được cán bộ Phòng đào tạo của Trường cho biết đáp án, hướng dẫn bày cách gian lận trong thi cử một cách trót lọt. Trong phòng thi, các thí sinh sẽ mặc sức quay cóp tài liệu, thoải mái chép bài của nhau, thậm chí dùng luôn máy tính có kết nối internet để tra ngay đáp án… mà giám thị ngồi làm ngơ.

Thậm chí, nhiều thí sinh thừa nhận “Không biết chữ nào” về ngoại ngữ vẫn phải đăng ký tham gia dự thi nhằm mục đích hoàn thiện hồ sơ công chức, viên chức. Vì vậy, việc chọn cơ sở kiểu “thi là đỗ” là phương án ưu tiên hàng đầu. Với những thí sinh nửa chữ ngoại ngữ không biết thì sẽ được trực tiếp các cán bộ trông thi làm hộ và đương nhiên lệ phí đầu vào dự tuyển cũng sẽ khác, tùy vào nhu cầu và trình độ của mỗi thí sinh mà mức áp dụng lệ phí cũng khác nhau.

Theo ghi nhận, số lượng thí sinh đăng ký thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại nơi này khá đông và đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là lượng thí sinh đăng ký dự thi đa phần là giáo viên, công an, bác sĩ, cán bộ các ngành... Mỗi đợt thi từ và trăm đến hàng nghìn thí sinh tham dự. Vì vậy, nhà trường liên tục mở các đợt thi vào dịp cuối tuần nhằm đáp ứng đủ nhu cầu đăng ký dự thi của các thí sinh.


Các gói thi “chống trượt” ngoại ngữ diễn ra công khai, ngang nhiên tại trường từ nhiều năm nay. Cơ quan báo chí cũng nhiều lần phản ánh, thậm chí có video clip bằng chứng ghi lại toàn bộ quá trình “gian lận” đến từng chi tiết nhưng tại sao vấn nạn này không được giải quyết. Phải chăng đây là động thái thách thức toàn xã hội?

Cũng theo tìm hiểu, lượng thí sinh đổ về thi chứng chỉ ngoại ngữ còn diễn ra ở nhiều trường khác nữa và một số trung tâm khác được Bộ GDĐT cấp phép. Những nơi này liên tục tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ ngọi ngữ trình độ A, B, C cho những ai có nhu cầu và việc thi cử cũng chỉ là hình thức.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối “vấn nạn” thi chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ “Biên chế”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO