Như cây MỘC MIÊN giữa lưng chừng núi

Trần Hoàng Anh| 31/05/2017 10:29

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm học (niên khóa 2016 - 2017) và chuẩn bị đón tết thiếu nhi 1/6, những giáo viên vùng cao, biên giới huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đang tất bật hoàn thành những trang giáo án cuối cùng và cũng không quên làm những phần quà “cây nhà, lá vườn” để tặng cho các cháu thiếu nhi đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao khó khăn này. Các cô như những con ong chuyên cần góp phần đưa ánh sáng văn minh và cái chữ của Bác Hồ đến vùng cao biên giới.

Trường PTCS Nậm Lạnh, Sốp Cộp, Sơn La nằm giữa bản. Trường dựa lưng vào sườn núi đá, hoa ban, hoa mận nở trắng lưng trời. Bên trái trường có con đường đi vào bản. Những bài học bắt đầu cũng là lúc bà con lùa trâu bò đi ăn cỏ. Tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng những ống bơ sắt tây buộc ở cổ các con bò khua rổn rảng.

Giờ ra chơi, đám học sinh nam xúm vào đánh quay. Những con quay vùng cao làm bằng gỗ nghiến, cứng như sắt. Chân quay cũng bằng gỗ. Di, Lủ bổ quay cừ nhất lớp. Quay của Di, Lủ có thể "ngủ tít" cho đến khi trống vào lớp vang lên. Những ai không thích chơi quay thì ngồi nhìn xuống con đường liên huyện Sốp Cộp -  sông Mã chạy ngoằn ngoèo tít phía dưới đằng kia. Với trò, ngoài nhìn ngắm mây trời thì niềm thích thú nhất mỗi giờ ra chơi là được ngắm con đường từ bản nhỏ chạy xa tít ra ngoài huyện. Ở đó, với trò là cả một chân trời cao rộng. Chưa trò nào được đi xa, dù chỉ là ra ngoài huyện Sông Mã, cách đó 34 cây số. Ngoài ấy có bao nhiêu là cái mới, cái lạ, thích lắm. Lủ mơ ước, sau này sẽ làm kỹ sư xây dựng để được đi nhiều nơi, làm những ngôi nhà to, cao cho dân bản. Sồng Thị Và quả quyết sẽ làm cô giáo vùng cao để dạy bà con mình biết nhiều cái chữ. Biết nhiều cái chữ thì sẽ đi xa được.

Như cây MỘC MIÊN giữa lưng chừng núi
Các em học sinh Trường PTCS Nậm Lạnh, Sốp Cộp, Sơn La chuẩn bị vào lớp. Ảnh: Hoàng Anh
Phóng tầm mắt ra xa hơn nữa là những dãy núi từ sáng đến tối chìm trong sương mù. Trò nghe các thầy cô kể, phía ấy có cột mốc biên giới. Phải trèo núi, cắt dốc, băng rừng, lội suối mà đi, hơn một ngày đường mới tới. Cô giáo Hạnh ở nhà tập thể ngay sát lớp học. Cô Hạnh bảo, mùa này hoa ban nở trắng bên sườn dốc, đêm đêm toả mùi hương vào phòng ngây ngất. Quê cô ở Bắc Giang, lên xã Nậm Lạnh này dạy học đã hơn chục năm nay. Cô ăn cùng với học trò, phát nương cùng bà con và đi lấy củi, gánh nước, nuôi gà... cũng y như người dân trong bản. Từ đây ra ngoài huyện sông Mã những 34 cây số nên cô Hạnh thường mua thức ăn dự trữ cho cả tuần. Bữa ăn của cô đạm bạc lắm, chỉ có rau là nhiều. Thương cô, có hôm, Và ì ạch gùi rau cải của bà con bản Phổng gửi lên cho cô giáo. Lại có hôm, ở dưới bản người ta tụ tập rất đông để làm thịt một con trâu to. Phần ngon nhất, tươi nhất được dành lại để trưởng bản mang lên biếu cô giáo Hạnh, ai cũng thương cô giáo vất vả vì lũ học trò vùng cao vụng dại. Vách buồng của cô Hạnh dán đầy những hình ảnh cắt từ họa báo ra. Ảnh ngôi nhà nào cũng to, ảnh chàng trai cô gái nào cũng xinh, cũng đẹp. Cô bảo đó là quê cô đấy. Trò nghe cô kể chỉ biết gật gật đầu tưởng tượng, với trò nơi ấy còn xa xôi lắm. Ngày cô Hạnh mới lên đây, còn bao nhiêu bỡ ngỡ. Cô không biết nói tiếng Thái nên học trò nói gì cô cũng không hiểu, còn học trò lại chưa sõi tiếng Kinh nên cô nói gì trò cũng "chịu". Điều làm trò sợ nhất là cô Hạnh "chê" trò không ngoan, không giỏi nên không muốn ở lại với cái bản, cái làng nơi đây nữa. Già làng kể rằng, Cô Hạnh đã có người yêu ở dưới xuôi. Vì thương bà con dân tộc biết ít cái chữ nên cô đã xin lên đây làm cô giáo. Từ ngày cô lên, người yêu cô đã bốn, năm lần lên bảo về nhưng cô không nghe. Bây giờ người ấy đã đi lấy vợ rồi. Cô Hạnh vì dân làng mà mất người yêu đấy. Già bảo phải cố gắng mà học để đền đáp lòng tốt của cô. Nghe chuyện già kể, các trò muốn nói với cô bao điều mà sống mũi cứ cay cay, miệng thì lúng ba lúng búng không sao cất lời lên được. 

Thời gian cứ trôi đi, trôi đi mãi. Thời gian đã làm cho nét thanh xuân trên gương mặt cô Hạnh nhạt phai dần. Cô Hạnh vì yêu nghề và thương các em nhỏ ở bản Phổng, bản Cang nơi đây mà tình nguyện ở lại với vùng "đất cằn sỏi đá" này. Cô thương những học trò vùng cao biết bao. Nhà Và nghèo lắm. Có hôm trời rét như cắt da cắt thịt, Và đi học chỉ phong phanh 1 manh áo mỏng, cô Hạnh nhìn trò mà rơm rớm nước mắt. Cô cho Và những chiếc áo ấm của cô, còn dặn các trò phải giữ sức khoẻ thì mới học tốt được. Thương các trò, nhà trò nào cũng nghèo, cũng không có áo ấm để mặc trong mùa đông giá lạnh miền Tây Bắc, cô Hạnh lại đạp xe lên huyện mua len về đan áo ấm cho trò. Thế là đến mùa đông, trò không còn sợ rét vì đã có áo ấm của cô giáo đan cho. Còn nhà Phình ở tận bản Huổi Hịa, ngày ngày phải đi bộ 30 cây số mới tới trường. Bố mế cứ muốn Phình nghỉ học ở nhà lấy vợ để làm ra nhiều con trâu, con bò cho nhà bớt khổ. Cô Hạnh đến tận nhà  Phình xin cho đi học tiếp, còn lấy tiền lương của cô mua sách, vở cho Phình nữa. Đêm đêm, cô lại thức khuya soạn bài bên chồng giáo án, nắn nót sửa từng con chữ cho lũ học trò vụng dại. Từ ngày cô Hạnh về đây, các trò vui lên trông thấy. Trò tin rằng, có cô dạy chữ, mai này tất cả các trò sẽ lớn khôn lên, sẽ trở thành những con người giỏi giang của bản.
Khi màn đêm đã bao phủ lưng chừng núi, cũng là lúc trò lục tục trở về nhà. Trò thấy ánh mắt cô Hạnh buồn da diết. Cái dáng bé nhỏ của cô nép vào góc lớp vẫy vẫy các trò làm chúng thấy nao lòng. Trò biết, chỉ ít phút nữa thôi, khi bọn chúng ra về, cô Hạnh lại lụi cụi một mình. Thương cô, không ai dám bỏ học, kể cả Phình, Cang đã có vợ và 2 đứa con nhỏ. Cứ mỗi lần bọn chúng không chịu học bài, cô Hạnh lại dọa: “Cẩn thận không cô cho lưu ban, về nhà vợ nó cười cho đấy", là chúng sợ lắm. 

Mấy hôm nay trong bụng trò nào cũng chộn rộn. Gió Lào thổi về ào ào, liên tục. Những nương ngô đã thu hoạch hết, chỉ còn trơ gốc. Cây phượng đầu bản đã trổ hoa đỏ rực. Đêm đêm, lũ quạ bay về nhiều hơn, kêu quang quác suốt đêm, nghe xao xác. Tất cả những điều đó báo rằng mùa hè sắp đến. Vậy là các trò sắp được về nhà, gặp bố, gặp mế, gặp con suối, cái nương... quen thuộc. Năm nay cô Hạnh không về. Các trò càng thêm háo hức, ai cũng muốn "đăng ký" để đón cô về nhà mình chơi, chắc là vui lắm. Nhưng cô chỉ cười, cô bảo hè này cô còn phải ở lại kèm cho mấy bạn học kém, với lại trực trường cho mấy cô khác quê ở xa hơn được về sum họp với gia đình. Năm ngoái cô đã được về rồi.

Vùng cao mùa này thiếu nước. Hôm trước, cả lớp xin nghỉ một buổi. Lưng mỗi trò gùi một quẩy tấu, trong có can nước. Cả lớp đi lấy nước cho cô Hạnh. Trò lo cho cô, sợ cô không có nước để dùng. Phải xuống dốc, đi mãi vào phía đầu khe, nơi có cái mó nước mới lấy được. Phải đi từ sáng đến tối mịt mới về. Nước về đổ đầy thùng phuy. Trước khi ra về, bọn trẻ tranh nhau nói: “Cô cứ dùng đi, hết thùng phuy này là bọn em sẽ ra với cô.” Chia tay cô giáo, cả lớp xuống dốc, men theo đường mòn để về bản. Ngẩng lên lưng chừng núi, chúng thấy cô Hạnh vẫn đứng dưới gốc cây mộc miên giơ tay vẫy. Cô ơi, khi chúng em trở lại, cây mộc miên sẽ lại đơm hoa đỏ thắm, phải không cô? 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • [Emagzine] Chiến dịch Hồ Chí Minh: Năm ngày làm nên “lịch sử”
    Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975) song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
  • Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024) từ ngày 3 đến 6-5 tại Rạp chiếu phim Điện ảnh QĐND (17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
  • “Người chép sử” trận thắng thế kỷ Điện Biên Phủ bằng ảnh
    Năm 1953, nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:"Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại..."
  • "Lật mặt 7" của Lý Hải cán mốc 100 tỉ sau 3 ngày ra rạp
    Theo số liệu từ Box Office Vietnam (trang thống kê độc lập), Lật mặt 7: Một điều ước cán mốc 100 tỷ đồng vào sáng 29/4, trở thành phim Việt thứ hai vượt mốc 100 tỷ đồng trong năm nay, sau Mai của Trấn Thành.
Đừng bỏ lỡ
Như cây MỘC MIÊN giữa lưng chừng núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO